Những dịch vụ công trực tuyến sắp được Bộ Công an cung cấp Những tiện ích nổi bật của ứng dụng VNeID

Theo Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023 tới đây, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ chính thức không còn giá trị sử dụng. Các cơ quan chức năng thống nhất quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), lợi ích lớn của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là điều ai cũng thấy rõ. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ góp phần công khai, minh bạch, đơn giản hóa, tiến tới loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà; hạn chế tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà của một số cán bộ cho người dân; tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội…

Được biết, qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy có tới 27 thủ tục hành chính đang được quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Còn theo Bộ Công an, hiện có tới 22 nghị định và 54 thông tư có những quy định liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Như vậy, để chuyển sang phương thức quản lý mới, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, rà soát và kịp thời sửa đổi các văn bản liên quan để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Cư trú sửa đổi khi được Quốc hội thông qua.

Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022, hiện Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước đang quyết liệt thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai Luật Cư trú năm 2020 và Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia.

Trong đó, tập trung thực hiện 5 nội dung chính, gồm: Cấp Căn cước công dân; làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử và tham mưu thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ.

7 giải pháp thay thế sổ hộ khẩu, tạm trú
Tính đến ngày 5/12, Hà Nội đã cấp được gần 4 triệu mã định danh điện tử

Theo Công an thành phố Hà Nội, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự trong thời đại công nghệ số, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, người dân chưa cóCăn cước công dân gắn chíp hoặc người dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử nhưng chưa có tài khoản định danh điện tử cần sắp xếp thời gian đến các điểm thu nhận Căn cước công dân nơi đang cư trú để làm thủ tục cấp Căn cước công dân và đăng ký tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử trong thời gian sớm nhất.

Công an Thành phố Hà Nội đã tham mưu 7 giải pháp thay thế cụ thể:

1. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode xin thẻ căn cước công dân gắn chíp.

3. Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chíp.

4. Tra cứu, khai thác trực tuyến thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Sử dụng ứng dụng VneID

6. Giấy xác nhận tình trạng cư trú ( công dân có thể trực tiếp đến cơ quan Công an cấp xã nơi tiếp nhận hồ sơ về đăng ký cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận qua Cổng dịch vụ Công trực tuyến).

7. Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do công an cấp xã nơi công dân cư trú cấp.

Với các giải pháp nêu trên, công dân hoàn toàn có thể yên tâm khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính mà không gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào.