Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận 2 nền tảng số tiềm năng quốc gia 12 triệu tài khoản tại Việt Nam bị xâm nhập trong năm 2023 Giải pháp khắc phục bảng quảng cáo chạy LED bị thay đổi nội dung

Ngày 30/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo và triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023 với chủ đề: “An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI).

Bảo đảm an toàn thông tin phải xuất phát từ chính mỗi cá nhân, tổ chức
Trong khuôn khổ hội thảo - triển lãm các đại biểu đã thực hiện nghi lễ bấm nút khai trương nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ đám mây (Cloud) và AI, trong đó điển hình là sự ra đời của ChatGPT, phần mềm có sự tăng trưởng người dùng được coi là nhanh nhất trong lịch sử Internet.

Sự bùng nổ của Cloud và AI dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu vì dữ liệu là nền tảng gốc, bảo vệ dữ liệu là bảo vệ trái tim của quá trình chuyển đổi số.

Phát biểu về vấn đề an toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và điện toán đám mây mở ra cánh cửa cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về quản trị và an toàn dữ liệu.

Hiện nay, 60% dữ liệu doanh nghiệp trên thế giới được lưu trữ trên đám mây. Chi tiêu của người dùng cuối trên toàn thế giới cho các dịch vụ đám mây công cộng ước tính lên tới 597,3 tỷ USD trong năm 2023. Riêng 3 công ty điện toán đám mây lớn nhất thế giới đã chiếm tới 58% thị phần toàn cầu, tuy nhiên, cùng với đó, chi phí trung bình cho một vụ vi phạm dữ liệu cũng đã đạt mức cao kỷ lục là 4,45 triệu USD.

AI giờ đã trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm sự thống trị, dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu.

Để huấn luyện các mô hình AI, sẽ cần một lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập và phân tích. Tuy nhiên, khi dữ liệu không được sử dụng đúng cách hoặc có mục đích xấu, bị lạm dụng chúng sẽ không chỉ đe dọa đến quyền riêng tư cá nhân, quyền sở hữu tài sản của tổ chức, doanh nghiệp mà thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Đưa ra những định hướng trọng tâm để đảm bảo an toàn thông tin, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, khi cùng hòa vào làn sóng công nghệ của thế giới, điều quan trọng là chúng ta cần nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và kịp thời tìm ra những giải pháp để chủ động ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. An toàn để phát triển, thay vì để đứng nhìn và tụt lại phía sau.

“Dữ liệu là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân, bảo vệ dữ liệu cũng chính là bảo vệ tài sản của tổ chức mình. Vì vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin phải xuất phát từ chính mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Cơ quan nào quản lý cái gì trong đời thật thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng, như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh, trong sạch”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Cùng đó, an toàn thông tin cần phải triển khai tổng thể, không chỉ là việc triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cho các hệ thống, mà quan trọng hơn là nâng cao nhận thức, kỹ năng cho tất cả cán bộ của tổ chức.

An toàn thông tin cần Make in Viet Nam, là ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có chuyên gia giỏi, có đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.