Công nhân mất việc dịp giáp Tết: Cần giải quyết quyền lợi, tạo việc làm mới Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí
Bị giảm giờ làm, công nhân lo không có thưởng Tết
Công việc ảnh hưởng, nữ công nhân lo một cái Tết không trọn vẹn. Ảnh: Minh Hương

Lo lắng thưởng Tết giảm

Thời điểm này, chị Nguyễn Thị Hạnh (công nhân một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) chỉ làm giờ hành chính, về sớm, không còn tăng ca, làm thêm như trước đây.

Mong muốn được làm thêm nhiều đối với công nhân như chị Hạnh là điều dễ hiểu, bởi số tiền từ làm thêm chiếm một phần lớn tổng thu nhập của chị. Nếu làm thêm, nữ công nhân này được khoảng 14 triệu đồng/tháng; nếu chỉ làm giờ hành chính, con số này chỉ còn khoảng 7 triệu đồng - không đủ để đảm bảo cuộc sống của gia đình. Chị Hạnh lo lắng, nếu công việc ít đi, công nhân chỉ làm giờ hành chính thì sẽ dễ dẫn đến thưởng Tết năm nay cũng bị ảnh hưởng.

“Đầu năm nay, trong thời gian bị dịch COVID-19, công ty nơi tôi làm việc vẫn sản xuất 3 tại chỗ, tôi không phải nghỉ làm ngày nào. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây công ty lại ít việc. Tôi nghĩ năm nay thưởng Tết sẽ ít hơn năm ngoái” - chị Hạnh cho hay. Năm trước, chị Hạnh được thưởng 2 tháng lương. Mức thưởng này căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của công ty và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công ty đối với chị.

“Là công nhân, ai cũng muốn được thưởng Tết cao để có cái Tết thật đầy đủ. Nhưng nếu tình hình đơn hàng ít, công việc giảm mà thưởng Tết giảm thì công nhân cũng phải chấp nhận” - nữ công nhân nói.

Thưởng Tết cho công nhân dựa trên yếu tố nào?

Từ làm việc 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, nay số giờ làm thêm và ngày làm việc của chị Lường Thị Nguyệt (công nhân làm việc ở Cụm công nghiệp Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giảm còn 1 nửa.

“Công ty ít đơn hàng, có bộ phận phải tạm ngưng hoạt động. Nhóm chúng tôi có 15 người thì thay phiên nhau làm việc. Thu nhập trước đây 9 triệu đồng, nay chỉ còn 4-5 triệu đồng mỗi tháng” - chị Nguyệt thở dài.

Từ Tuyên Quang xuống Thủ đô làm công nhân được 3 năm, chị Nguyệt cho biết, năm 2019, thu nhập của chị khá ổn định, giá cả chưa đắt đỏ nên chị còn để dành được chút vốn. Năm 2020 - 2021, dịch bệnh liên miên, chị Nguyệt nói “chúng tôi sống nhờ trợ cấp của Nhà nước, công ty và công đoàn mới có thể bám trụ lại được ở thành phố”.

Theo chị Nguyệt, đến năm nay, khi dịch bệnh đã có phần lắng xuống thì công việc lại không được suôn sẻ, những tháng cuối năm, công nhân bị giảm giờ làm rất nhiều. Tình hình sản xuất kinh doanh ở công ty cũng bị chững lại. Không chỉ lo lắng thu nhập giảm, nữ công nhân còn sợ rằng Tết 2023 không có thưởng.

Nhớ lại Tết Âm lịch 2022, chị Nguyệt cho hay, một tuần trước kỳ nghỉ Tết, công ty mới thông báo thưởng Tết cho công nhân, mỗi người được thưởng 1 tháng lương cơ bản tương đương 4,8 triệu đồng. “Năm nay tình hình công ty như vậy, chúng tôi rất sốt ruột. Nếu không có thưởng Tết, chưa hẳn tôi đã về quê” - chị Nguyệt nói.

Chia sẻ quy định về thưởng Tết, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Bộ luật Lao động, việc có thưởng cho người lao động vào các ngày lễ, Tết hay không là quyền của người sử dụng lao động. Căn cứ để xác định tiền thưởng cho người lao động là kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của người sử dụng lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Những vấn đề cụ thể như nguyên tắc, các trường hợp, tiêu chuẩn, thời gian, mức, cách thức, nguồn kinh phí thực hiện… thưởng sẽ được quy định trong quy chế của doanh nghiệp. Cũng có những trường hợp, tiền thưởng của người lao động sẽ được thỏa thuận ghi trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động của hai bên. Do vậy, nếu tình hình sản xuất kinh doanh không ổn định thì người lao động có thể sẽ không có thưởng Tết.

Theo MINH HƯƠNG - BẢO HÂN/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/bi-giam-gio-lam-cong-nhan-lo-khong-co-thuong-tet-1118752.ldo