Hết hạn giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho Doanh nghiệp: Doanh nghiệp sẵn sàng mức đóng cũ
Sản xuất tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Ngừng hỗ trợ từ ngày 1.10
Ngày 24.9.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng BHTN (từ ngày 1.10.2021 đến ngày 30.9.2022) là người sử dụng lao động đang tham gia BHTN trước ngày 1.10.2021.
Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Như vậy, từ ngày 1.10.2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng BHTN, mức đóng sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Không thể trông chờ “bầu sữa”
Thực tế cho thấy, việc giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế đã diễn ra bình thường, việc đóng BHTN như trước khi dịch bệnh là hoàn toàn phù hợp. Nỗ lực này cũng nhằm đảm bảo nguồn quỹ BHTN.
Trước thông tin sắp hết hạn được hỗ trợ đóng BHTN, anh Hoàng Minh Trung - Giám đốc một công ty chuyên sản xuất bếp từ, đóng tại khu làng nghề Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, trong 1 năm được hỗ trợ mức đóng BHTN còn 0%, doanh nghiệp của anh cảm thấy được Chính phủ chia sẻ, đồng hành. “Số tiền trong 1 năm hỗ trợ, tính ra tương đương hơn 200 triệu đồng, là con số vô cùng ý nghĩa trong thời điểm khó khăn, căng thẳng vì dịch bệnh. Thời điểm này, các đơn hàng đi tỉnh của chúng tôi gần như đã phục hồi như trước khi dịch bệnh xảy ra nên doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đóng BHTN mức 1% như trước. Đã đến thời điểm doanh nghiệp tự thân vận động, không thể trông chờ “bầu sữa” ngân sách” - anh Trung nói.
Cũng theo anh Trung, việc được hỗ trợ mức đóng BHTN trong 1 năm không chỉ giúp doanh nghiệp phấn khởi mà còn giúp hàng chục lao động tại công ty anh yên tâm, gắn bó và muốn tham gia chính sách BHTN lâu dài. “Chúng tôi vẫn nói vui là hỗ trợ lần này có “lợi ích kép”: Vừa giúp doanh nghiệp tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước, vừa giúp người lao động thấy được sẻ chia và muốn gắn bó với 1 chính sách thiết thân, gần gũi với họ” - anh Trung nói.
Chung quan điểm, ông Ngô Đức Hạnh - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Việt Á (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng sẵn sàng quay lại mức đóng BHTN như thời điểm trước khi được hỗ trợ. Ông Hạnh cho hay, 1 năm miễn mức đóng BHTN, công ty của ông tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. “Số tiền này rất ý nghĩa, giúp tôi có thêm khoản tiền trang trải trả lương cho người lao động. Lúc dịch bệnh, chục triệu đồng cũng rất lớn rồi. Chính sách đã hỗ trợ suốt 1 năm nên đến nay, khi đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, chúng tôi xác định quay lại thực hiện đúng vai trò như thời điểm trước dịch” - ông Hạnh cho hay.
Trước đó, ngay sau khi Nghị quyết 116/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 24.9.2021, chỉ trong 5 ngày sau, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022) đối với 381.925 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 10.461.199 người lao động) với tổng số tiền trên 7.653 tỉ đồng. Đồng thời đã có 7.416 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 20,5 tỉ đồng.
Ngay khi đi vào cuộc sống, chính sách được doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự kịp thời, đầy tính nhân văn. Gói hỗ trợ cũng được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện. Số tiền giảm đóng đúng thời điểm khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục chuỗi cung ứng lao động.
Theo
/laodong.vn
Bình luận