Cần xác định tiêu chí cụ thể về nhà ở công nhân, tách khỏi nhóm nhà ở xã hội
Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân Nhà ở xã hội "lên sàn": Lấy phí môi giới của công nhân là thiếu nhân văn |
Gia đình công nhân thuê trọ tại Khu Thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hải Nguyễn |
Nhiều vướng mắc
Nhằm đồng hành cùng Chính phủ trong vấn đề chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho công nhân, Tổng LĐLĐVN đã chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật đề xuất Đề án “Đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX” trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017, sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 trong đó Tổng LĐLĐVN đóng vai trò là đơn vị chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng tham gia phối hợp thực hiện Đề án.
Theo ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng LĐLĐVN), sau hơn 18 tháng kể từ khi có Quyết định số 1729/QĐ-TTg, tiến độ triển khai Đề án cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, một số địa phương đã giới thiệu và giải phóng mặt bằng như Hà Nam, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Quảng Ninh… Tuy nhiên, một số địa phương tiến độ chậm và vướng mắc do quy định dự án nhóm B không đủ điều kiện tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần như tại Thái Bình, Bắc Giang.
Liên quan đến công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, hiện nay các khu đất giới thiệu quy hoạch chủ yếu có chiều cao từ 3-5 tầng khi thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch chung lên từ 9-15, thậm chí cao hơn dẫn đến việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 kéo dài do phải điều chỉnh quy hoạch chung.
Về công tác lựa chọn nhà đầu tư, do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên Tổng LĐLĐVN chưa thể đứng ra làm chủ đầu tư dự án nhà ở mà phải có sự tham gia của các doanh nghiệp bên ngoài cùng tham gia. Công tác lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án nhà ở thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Đầu tư nên tiến độ lựa chọn bị ảnh hưởng, các tỉnh chọn nhà đầu tư còn rất chậm…
Mặt khác, nhà ở công nhân chủ yếu là phân khúc nhà ở cho thuê (chiếm đến 90% nhu cầu do thời gian làm việc tại một địa điểm không cố định, di biến động liên tục) nên hầu hết chủ đầu tư không mặn mà vì lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu, quy trình triển khai kéo dài...
Hiện một số địa phương có nhu cầu nhà ở công nhân cao, nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa có văn bản giới thiệu, chấp thuận như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương.
Cần giảm bớt thủ tục hành chính
Ông Lê Văn Nghĩa cho rằng, để giải quyết được nhu cầu nhà ở công nhân trong thời gian tới cần có sự tham gia mạnh mẽ của Nhà nước (thông qua Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các địa phương), các tổ chức chính trị - xã hội (thông qua Tổng LĐLĐVN) và các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước) và sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng trong ranh giới khu đất xây dựng nhà ở công nhân, lựa chọn nhà đầu tư/chủ đầu tư dự án.
Nhằm huy động được các thành phần cùng tham gia, Tổng LĐLĐVN nhận thấy cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực phát triển nhà ở công nhân đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, cần xác định nhà ở công nhân là một đối tượng cụ thể - tách khỏi nhóm nhà ở xã hội - với các cơ chế, ưu đãi, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa so với nhóm đối tượng nhà ở xã hội thông thường; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua các Luật như: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…; thống nhất, ban hành quy trình chung về đầu tư nhà ở công nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư sớm khởi công dự án.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét việc cho vay ưu đãi dự án nhà ở công nhân theo hướng trong một dự án có cả hai đối tượng cùng được vay ưu đãi: Chủ đầu tư và người mua/thuê nhà ở. Hiện nay Nghị định số 03/VBHN-BXD ngày 24.6.2021 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa nêu rõ nên dẫn đến các ngân hàng cho vay chưa hướng dẫn, giải ngân được.
Đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch cụ thể tại các dự án nhà ở cho công nhân, giao nhiệm vụ cụ thể cho 1 Phó Chủ tịch chuyên trách chỉ đạo thường xuyên các sở, ngành để phối hợp trong quá trình thực hiện dự án nhà ở công nhân đặc biệt tại các dự án thuộc Đề án thiết chế Công đoàn.
Cho phép UBND tỉnh tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng biệt triển khai trước hoặc đồng hành với dự án xây dựng thiết chế công đoàn (do Tổng LĐLĐVN đầu tư) và dự án nhà ở (do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư)…
Theo Việt Lâm/laodong.vn
Bình luận