Loạt thương vụ gọi vốn thành công của startup Việt Công nghệ Blockchain xuất hiện ở Việt Nam trong bối cảnh thiên thời, địa lợi, nhân hòa Kỳ vọng phát triển nhờ công nghệ Blockchain tại Việt Nam

Việt Nam cũng đang có những thành tựu ấn tượng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên chiến lược và tầm nhìn đột phá của Chính phủ Việt Nam trong đó đề cao chính sách cởi mở, khuyến khích sự phát triển của các công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của Chính phủ.

Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Chính phủ Việt Nam có các chính sách rất ủng hộ về phát triển số và chuyển đổi số. Đối với công nghệ mới như blockchain nước ta cũng đang khá cởi mở, là nền tảng giúp các dự án khởi nghiệp blockchain ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, với những cái tên vươn tầm thế giới.

Trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.

Blockchain đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam từ nhiều năm nay như nông nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng, y tế... Vài năm gần đây, blockchain tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi tại Việt Nam. Các startup blockchain tại Việt Nam đã phát triển thành cộng đồng mạnh trong khu vực, đang hình thành hệ sinh thái blockchain đa dạng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 vào tháng 3/2022.

Cơ hội để Việt Nam trở thành hub blockchain

"Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các quỹ, các dự án tìm kiếm môi trường và nguồn nhân lực cho đầu tư và phát triển bền vững trong lĩnh vực blockchain" - Phó Chủ tịch VDCA nói.

Đồng quan điểm đó, ông Hadi Malaeb Đồng sáng lập & CEO của Agora Group, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á nhờ những chính sách rõ ràng của chính phủ về số hóa và cải thiện sự đổi mới và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Những chính sách này đã mang lại những kết quả rõ rệt cho hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và cho blockchain nói riêng. Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và có hơn 3.800 công ty khởi nghiệp, 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và 100 vườn ươm doanh nghiệp. Tất cả đều hướng tới số hóa và tăng cường tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.

Nhà đầu tư sẽ đánh giá trường hợp kinh doanh của công ty khởi nghiệp, người lãnh đạo, năng lực và kinh nghiệm cùng với định giá vốn chủ sở hữu mà họ đã đầu tư. 30% các thương vụ đến từ các đồng nghiệp và nhân viên cũ từng làm việc tại quỹ, 20% đến từ các nhà đầu tư khác và 8% đến trực tiếp từ các công ty danh mục đầu tư hiện có. Chỉ 10% các dự án đến từ các công ty khởi nghiệp tiếp cận trực tiếp.

Các công ty khởi nghiệp cần xây dựng mang lưới kết nối phù hợp để tìm kiếm nguồn vốn trực tiếp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Câu hỏi cơ bản thường được đặt ra bởi các nhà đầu tư đặt ra cho các công ty khởi nghiệp blockchain là phương pháp tiếp cận thị trường và cách niêm yết.

Tất cả các bên liên quan có liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần hiểu rõ bản chất của blockchain. Chúng ta sẽ sớm tiến đến tương lai mà blockchain được tích hợp vào mọi thứ, khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn mà không cần phải hiểu công nghệ đằng sau.

Càng tiếp cận và giao lưu với nhà đầu tư sớm thì doanh nghiệp khởi nghiệp càng có lợi. Các nhà đầu tư không chỉ ở đó để bỏ tiền mà còn để cung cấp kiến thức chuyên môn và hướng dẫn. Tương tác sớm với các nhà đầu tư giúp các công ty khởi nghiệp sớm có định hướng phát triển và tiết kiệm thời gian nghiên cứu.

Bà Jennie Hoàng Phương - CEO, D.lion Media & Solutions cho rằng, việc xây dựng hồ sơ năng lực cho mỗi dự án blockchain là rất quan trọng, nó quyết định thành công hay thất bại của startup đó trong việc gọi vốn, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Trong đó, hoạt động marketing, truyền thông góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu, danh tiếng cho các dự án startup, nhưng ‘tình yêu’ giữa startup và các nhà đầu tư lại đến từ những giá trị cốt lõi, nền tảng và những giá trị thành quả sau này.

Đối với startup blockchain, sức mạnh lớn nhất của các startup nói chung là ý tưởng cực kì đột phá, đánh nhanh thắng nhanh, ngay lập tức có thể xâm chiếm thị trường, còn về khía cạnh blockchain, ưu điểm chính là công nghệ cập nhật mỗi ngày, tiên tiến hiện đại. Điều này đòi hỏi những người làm tư duy blockchain có cái nhìn toàn diện, tư duy càng lớn, càng rộng bao nhiêu thì thách thức đi cùng cũng nhiều bấy nhiêu.

Không có dự án blockchain nào bị giới hạn bởi lãnh thổ địa lí, do vậy cần sự hiểu biết và cái nhìn đánh giá đúng đắn về thị trường toàn cầu để sản phẩm được đón nhận và phát triển rộng rãi. Khởi nghiệp đã khó, việc khởi nghiệp của các starup blockchain còn khó khăn hơn rất nhiều, vì nó đòi hỏi sự hiểu biết quá nhiều, sử dụng thành thục ngôn ngữ và công nghệ tiên tiến toàn cầu, bên cạnh những bước làm thông thường của một dự án startup nói chung, gồm xây dựng ý tưởng, nghiên cứu, quy trình gọi vốn, phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường…

Theo Phạm Lê/vnmedia.vn

https://vnmedia.vn/cong-nghe/202207/co-hoi-de-viet-nam-tro-thanh-hub-blockchain-2a44024/