Hơn 250 doanh nghiệp lữ hành tham gia khám phá “Phong Nha-miền di sản diệu kỳ” Giữ gìn di sản cho mai sau Điểm danh những di sản thế giới của Việt Nam

Tiềm năng từ di sản công nghiệp

Di sản công nghiệp có thể hiểu là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc…

Hạ tầng “bề nổi” là các tòa nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, các di sản công nghiệp ít nhiều đều mang những giá trị. Đầu tiên đó là giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp. Tiếp đến là giá trị xã hội. Giá trị này được thấy rõ qua việc di sản phản ánh một phần bức tranh cuộc sống của những người lao động sản xuất.

Cuối cùng là giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng và giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp…

“Đánh thức” tiềm năng, khơi nguồn giá trị từ các khu di sản cũ
Được tái thiết từ Nhà máy sản xuất mũ cối nằm trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, không gian sáng tạo 282 Design thu hút sự quan tâm yêu thích của cộng đồng sáng tạo Thủ đô. (Ảnh: Đinh Luyện)

Thông tin tại hội thảo “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới và bền vững”, Phó Giáo sư, kiến trúc sư Phạm Thúy Loan (đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam) cho rằng, di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh một phần lịch sử văn minh nhân loại; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

Các cơ sở công nghiệp cũ cũng có thể trở thành di sản khi chúng ta hiểu rằng đó là những công trình, những địa điểm, những không gian và cảnh quan mang các giá trị nổi trội về lịch sử, về khoa học kỹ thuật, về kiến trúc và thẩm mỹ. Các cơ sở công nghiệp quy mô lớn cũng thường gắn với lịch sử thuộc địa hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa của các địa phương, các quốc gia. Nó là những vật chứng, giúp chúng ta kể các câu chuyện về nơi chốn và thành phố, chính là duy trì bản sắc của các đô thị.

Tuy nhiên, bà Phạm Thúy Loan cũng chỉ ra rằng, hiện khái niệm di sản công nghiệp tại Việt Nam còn khá “mới mẻ” và chưa được pháp lý hóa. Nói cách khác, những nội dung này mới chỉ đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia Vì vậy, việc bảo vệ loại hình di sản này còn tương đối khó khăn.

Một bất cập khác là hiện ở nước ta chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Trong quá trình phát triển công nghiệp từ trước tới nay, cũng chưa từng đề cập các yếu tố về di sản văn hóa.

Bởi vậy, trước kế hoạch di dời một số nhà máy cũ ở khu vực nội đô Hà Nội, những khu đất hậu di dời nếu không được xử lý đúng cách thì rất dễ sa đà vào việc chuyển đổi thành khu đô thị và chỉ có giá trị về mặt kinh tế chứ không có giá trị về mặt văn hóa.

Làm sao để mang lại lợi ích?

Quanh vấn đề này, bà Phạm Lan Anh - Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, khái niệm di sản công nghiệp ở các nước phương Tây đã có từ lâu, đặc biệt ở Đức, Pháp, Anh... Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn xa lạ.

Với Hà Nội, hiện công tác này đã và đang được nhìn nhận và xem xét nghiêm. Dễ thấy, ở Hà Nội mới đây đã ban hành Nghị quyết liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Chính bởi vậy, các công việc liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo… đang được đẩy mạnh và đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm.

“Hà Nội quan tâm và hi vọng di sản công nghiệp trở thành một phần của di sản văn hóa Thành phố. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm với vấn đề liên quan nên các cơ chế, chính sách chưa được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả như mong muốn”, bà Phạm Thị Lan Anh thông tin.

Theo tìm hiểu, ở châu Âu, các giá trị di sản công nghiệp được công nhận và rất thành công. Ví như, trụ sở của Google ở Campus Marid, Tây Ban Nha trước đây là nhà ga nay đã trở thành một thung lũng công nghệ được chú ý nhất thế giới.

Đặc điểm của việc chuyển đổi là qua nhiều phương pháp và công nghệ tiên tiến để tạo ra công trình tái thiết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo tồn văn hóa và thân thiện môi trường.

“Đánh thức” tiềm năng, khơi nguồn giá trị từ các khu di sản cũ
Những cơ sở sản xuất công nghiệp cũ cũng tồn tại những giá trị văn hóa nhất định, đánh dấu cho một thời kỳ lịch sử. Nếu khéo léo sáng tạo, khai phá các tiềm năng thì hoàn toàn có thể mang lại những giá trị về kinh tế, văn hóa. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tại Hà Nội, một số mô hình tái thiết di sản công nghiệp cũng cho thấy hoạt động này có nhiều tiềm năng, tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo và mang lại các giá trị kinh tế. Không gian sáng tạo 282 Design tại quận Long Biên là ví dụ.

Với kinh nghiệm thực tế từ chuyển đổi nhà máy sản xuất cũ thành không gian sáng tạo 282 Design tại quận Long Biên - công trình thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng sáng tạo, 2 kiến trúc sư trẻ Trương Phan Anh và Hoa Tuấn Khang cho biết, cải tạo lại một nhà máy cũ là điều tưởng chừng như dễ mà khó.

Khó ở đây là làm sao cần sáng tạo để không bị tách biệt hẳn với bối cảnh xung quanh song vẫn đảm bảo các giá trị kinh tế, bảo tồn văn hóa và giảm thiểu các tác động tới môi trường xung quanh.

Điểm đặc biệt của mô hình này sau khi chuyển đổi đó là khai thác không gian phần lớn là thiên nhiên. Tất cả vật liệu sắt, thép, gỗ cũ đều được đơn vị 282 design chủ động tái sử dụng để tạo ra những khối nhà với chức năng phân tách riêng biệt. Không gian này chính là “khoảng thở”, làm giảm sự ngột ngạt của vùng trung tâm Hà Nội.

Rõ ràng, dù còn mới mẻ song hoàn toàn có thể kỳ vọng nếu đầu tư quy hoạch, xây dựng và phát huy tốt các khu di sản công nghiệp, trong tương lai gần thì đây sẽ là “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa. Điều quan trọng nhất hiện tại là làm sao nâng cao nhận thức và có đánh giá đúng về vai trò, ý nghĩa của di sản công nghiệp. Từ đó, có những chính sách phù hợp tạo đòn bẩy để đánh thức tiềm năng và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản công nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1). Trong đó phải kể đến như: Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội...

Với chủ trương này, Hà Nội đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn trong tái thiết những di sản công nghiệp, nhằm bảo đảm tiêu chí phát triển bền vững đô thị, tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo và mang lại các giá trị kinh tế cho địa phương.