Đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao về các ngành nghề mới
Hà Nội: tăng cường gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp |
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐTBXH) vừa có văn bản số 351 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc, du lịch halal...; đánh giá tình hình, kết quả triển khai việc tổ chức đào tạo, liên kết tổ chức đào tạo các ngành nghề mới, kỹ năng mới (nếu có).
Ảnh minh họa |
Cùng với đó, các cơ sở cần cung cấp thông tin về nhu cầu và các khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề mới, kỹ năng mới nêu trên, hoặc đào tạo các ngành nghề gần, các ngành nghề hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Từ đó, đề xuất các giải pháp để tổ chức đào tạo hiệu quả các ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới, để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, cũng tại hội nghị giao ban công tác tháng 2 và đôn đốc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành LĐTBXH tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, ngành cần đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao về các ngành nghề mới, nổi trội như: sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon…
Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2024, Bộ cũng sẽ tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, sẽ thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực, và chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%).
Tuyển sinh học nghề năm 2023 ước đạt 2.295.000 người, đạt mục tiêu kế hoạch, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trên 1,7 triệu người.
Tốt nghiệp năm 2023 ước đạt trên 2 triệu người (đạt mục tiêu kế hoạch); trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp 346.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác gần 1,7 triệu người.
Bình luận