Đề xuất sửa đổi chế độ bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động
Nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn Khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động |
Bộ LĐTBXH cho biết, điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ. Do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Trong khi đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này, theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.
Đến nay có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, duy trì việc làm cho 8.230 người lao động. Song, số doanh nghiệp được hỗ trợ còn thấp. Trên cơ sở đó, Bộ cho rằng cần sửa đổi Luật Việc làm để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Nghị quyết số 28-NQ/TW đã quy định: “Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động".
Còn Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng nêu rõ: “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm bền vững; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp”.
Từ những căn cứ đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Hướng sửa đổi là quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ trong các trường hợp: Vì lý do kinh tế theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đồng thời, quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách. Bao gồm điều kiện về đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, và duy trì việc làm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề, ví dụ về chi phí ăn ở, đi lại… Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng, mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đồng thời bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp; bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, như: Chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật.
Quy định Chính phủ quyết định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp, và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng, hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bình luận