Động lực để xây dựng và phát triển quê hương Nam Thắng
Cần giải pháp xử lý "nợ xấu" bảo hiểm xã hội Hơn 2.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại Hà Nội Cận cảnh 2 khu tập thể cũ vừa được Thành phố đưa vào kế hoạch cải tạo |
Theo sử sách ghi lại, Nguyễn Hiền sinh năm Ất Mùi (1235) trong một gia đình nghèo với ngôi nhà ba gian bé nhỏ, cạnh chùa làng Dương A. Nhà sư trụ trì chùa là một bậc danh nho, mở trường dạy học cho con em trong vùng.
Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. (Ảnh: Đỗ Lạc) |
Ngay từ khi mới lẫm chẫm biết đi, Nguyễn Hiền đã thường xuyên sang chùa xem các bậc đàn anh học tập. Cậu đứng ngoài cửa sổ chăm chú lắng nghe tiếng học trò đọc bài, tiếng nhà sư giảng giải. Ngày ngày, chữ nghĩa cứ thấm dần vào cậu. Thấy một cậu bé ham mê chữ nghĩa, nhà sư đã nhận cậu làm học trò và cho vào lớp ngồi học.
Nguyễn Hiền học rất thông minh, một trang sách chỉ đọc một lần là thuộc nên đã đọc được nhiều pho sách quý của nhà sư. Bởi thế mà tài học của Nguyễn Hiền vang xa khắp nơi, nhiều chí sĩ xa gần đến thử tài đều bái phục. Năm 11 tuổi ông đã nổi tiếng là thần đồng.
Năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền vừa tròn 12 tuổi cũng là lúc triều đình nhà Trần mở khoa thi Tam khôi để chọn Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Vì còn quá ít tuổi nên dân làng đã cử người đưa ông cùng lều chõng đi thi. Năm ấy ông đỗ đầu, được tặng bốn chữ vàng “Khai quốc Trạng nguyên”. Vua thấy Trạng quá trẻ nên cho về học lễ, vài năm sau sẽ bổ dụng.
Không lâu sau, sứ giả phương Bắc sang có đố một bài thơ nhưng cả triều đình chẳng ai giải được. Nhà vua sai người về mời Trạng vào triều, Trạng giảng giải đó là bài thơ tả chữ “điền”, làm cho cả triều đình và sứ giả phương Bắc đều nể phục. Từ đó danh tiếng của Trạng vang lừng hai nước. Triều đình phương Bắc biết đất An Nam có người tài giỏi nên không dám sách nhiễu. Trạng nguyên Nguyễn Hiền được về triều giữ chức Ngự sử đài, kiêm Đông các Đại học sĩ - bộ Công.
Khám và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. (Ảnh: Đỗ Lạc) |
Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay phò vua, giúp nước, đối phó với quân phương Bắc, đánh giặc cỏ ở Mường La. Ông mộ dân đi khai hoang phục hóa, đắp đê sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước, tạo mùa màng thắng lợi, nhân dân no ấm. Về quân sự, ông cho mở mang các xưởng rèn vũ khí, các võ đường rèn luyện quân sĩ, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược.
Ngày 14 tháng 8 năm Ất Mão (1255), Nguyễn Hiền qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của muôn dân. Về sau, để tránh tên húy của ông, huyện Thượng Hiền được đổi thành huyện Thượng Nguyên, vua ban sắc phong cho ông là phúc thần, miễn tô thuế cho cả làng Dương A. Nhân dân nơi đây tỏ lòng tôn kính đã xây đền thờ ông, tôn làm thành hoàng làng, ngày ngày lễ bái.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Nam Thắng Đỗ Văn Lạc cho biết, Đền thờ Trạng Nguyên Nguyễn Hiền được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Đền thờ được làm với bình đồ kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xòe tán lá rộng che bóng mát. Hệ thống nghi môn có bốn cột đồng trụ. Hai cột ở giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi họa tiết tứ linh với những đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền. Hai cột bên thấp, nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành hai cột: tả môn, hữu môn.
Lễ hội đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. (Ảnh: NC) |
Tòa tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn, gồm có 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”, đặt trên bốn hàng cột. Bên dưới các cột là những chân tảng đá với dáng thắt cổ bổng. Mặt trước của tiền đường có hệ thống cửa gỗ lim chân quay. Cửa ở gian giữa được làm trên con song dưới bức bàn, các gian bên là cửa con bài. Tòa đệ nhị ba gian có hệ thống cửa gỗ lim chân quay chắc chắn. Cửa ở gian giữa có 6 cánh chạm bộ tranh tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Tòa này có mái cong, với các đầu bẩy chạm họa tiết lá lật, trúc hóa long khá công phu; họa tiết chạm khắc trên các bộ vì chủ yếu là triện tàu lá dắt.
Cung cấm có hai gian, được làm giao mái với tòa đệ nhị. Trên bộ vì có chạm họa tiết long cuốn thúy, tứ linh, tứ quý. Các cánh cửa của cung cấm đều làm bằng gỗ lim, chân quay, trên con song, dưới bức bàn. Tại chính cung có đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
“Trạng nguyên Nguyễn Hiền tuổi nhỏ tài cao, là bậc kỳ tài của đất nước, là người con ưu tú của quê hương. Trải qua bao năm tháng đổi thay, đền thờ ông vẫn được nhân dân trân trọng giữ gìn, trở thành địa điểm thể hiện niềm tự hào, tấm gương cho mọi thế hệ người dân. Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, nơi đây đã từng tiễn đưa bao lớp người dân lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc”, ông Đỗ Văn Lạc chia sẻ.
Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Trạng nguyên Nguyễn Hiền diễn ra trong không khí trang nghiêm. (Ảnh: Minh Phương) |
Theo Chủ tịch xã Nam Thắng Đỗ Văn Lạc, từ ngày 14 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Nam Trực, đồng bào, du khách thập phương về thắp hương tưởng niệm tỏ lòng tri ân với Trạng nguyên Nguyễn Hiền - Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước. Lễ hội là dịp để tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét về truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao, truyền thống tôn sư trọng đạo, khơi nguồn giáo dục cho các thế hệ trẻ Nam Trực lòng tự hào, ý chí vượt khó, hiếu học thành tài, nó đã trở thành truyền thống, như một nét son mang bản sắc văn hóa của quê hương.
“Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là ngày hội quần tụ, ca ngợi tôn vinh truyền thống hiếu học của quê hương, là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân Nam Thắng nói riêng, Nam Trực nói chung. Và từ rất lâu, trong tâm thức dân gian, vùng đất Dương A, Trạng nguyên Nguyễn Hiền và đền thờ Quan Trạng đã trở thành biểu tượng tinh thần, là sức mạnh là nguồn động lực để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của quê hương”, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng bày tỏ.
Bình luận