Lao động chất lượng cao: Bài toán khó giải của thị trường [Infographic]: Thị trường lao động Hà Nội có nhiều chuyển động tích cực Nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thông tin tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm vừa được tổ chức mới đây, đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, khi dịch Covid -19 xảy ra, thị trường lao động bị tác động nặng nề. Có thời điểm hơn 30 triệu lao động (tương ứng hơn 58% lực lượng lao động) của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, với các chính sách, giải pháp đồng bộ của nhà nước, thị trường lao động Việt Nam đã dần phục hồi.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong Quý I/2023 là 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 670 nghìn người so với năm 2019). Thu nhập bình quân của người lao động Quý I là 7 triệu đồng (tăng 640 nghìn đồng). Số lượng và tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Dù phục hồi, thị trường lao động vẫn còn nhiều tồn tại
Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh (Hà Nội) năm 2023. (Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội).

Tuy nhiên, theo Cục Việc làm, dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn còn những vấn đề bất cập, hạn chế. Chất lượng cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Hiện có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ.

Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ "hiện đại", chưa có đủ việc làm bền vững. Hiện cả nước có hơn 51 triệu lao động nhưng có hơn 13 triệu lao động làm ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).

Nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (Quý I/2023 là 7,61%), có hơn 1,5 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,7% tổng số thanh niên).