Cảnh báo người tiêu dùng thận trọng trong mùa mua sắm cuối năm Doanh nghiệp tung hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm dịp cuối năm Nhộn nhịp chợ quà tặng online dịp Valentine

Mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng bứt tốc. Từ đầu tháng 12/2023 khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn còn gần 2 tháng nữa, nhiều hệ thống phân phối lớn đã giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, giỏ quà Tết.

Không chỉ khởi động mùa mua sắm Tết sớm hơn, các doanh nghiệp chủ động nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, những thay đổi trong xu hướng mua sắm như tính ứng dụng cao của sản phẩm và sự đa dạng trong món quà thay cho việc lựa chọn theo thương hiệu, hình thức như trước đây. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp phân phối đã tăng cường dự trữ nguồn hàng đảm bảo bình ổn thị trường, triển khai các giải pháp, chương trình khuyến mãi hấp dẫn kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Nhân sự truyền thông và đối ngoại AEON Việt Nam cho biết, AEON chuẩn bị hàng Tết từ giữa năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, khách hàng có thể cân nhắc trong việc mua sắm, AEON nhận thấy năm nay giá trị và chất lượng sản phẩm hàng hoá quyết định việc lựa chọn của người tiêu dùng chứ không phải là giá cả như trước đây.

Do vậy, AEON đặc biệt chú tâm đến giá trị trong giỏ hàng. AEON đã lên ý tưởng từ giữa năm và cuối năm là thời điểm siêu thị này đem đến những trải nghiệm mới cho khách hàng. Khách hàng chuyển đổi ý thức tiêu dùng và thứ tự ưu tiên trong chi tiêu, hướng đến sử dụng sản phẩm organic, ưu tiên sản phẩm sức khoẻ và sắc đẹp mang giá trị bền vững nên giá trị giỏ hàng AEON cung cấp khác biệt hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, thay đổi hành vi tiêu dùng.

Người dân có xu hướng cầm chừng khi mua sắm Tết
Sôi động các chương trình kích cầu mua sắm dịp cuối năm. (Ảnh: Đỗ Đạt)

Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Tết năm nay, dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10%, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả ổn định kèm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Mang lại những trải nghiệm mới, đề cao sự tiện ích và chú trọng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm cũng được một số doanh nghiệp phân phối triển khai. Ngoài khách hàng mua sắm trực tiếp, Saigon Co.opmart dành nhiều ưu tiên cho nhóm khách hàng "gen Y" và "gen Z" bằng cách tổ chức livestream, phát các video ngắn trên các nền tảng số hay ưu đãi mua sắm cho người lao động có thu nhập thấp. Ở hệ thống phân phối này, khách hàng đặt giỏ quà Tết ở một nơi nhưng được giao miễn phí trong 43 tỉnh, thành.

Trong một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, tiêu dùng nội địa trở thành động lực tăng trưởng quan trọng thì mùa mua sắm cuối năm càng được doanh nghiệp quan tâm và chuẩn bị sớm hơn các năm trước nhằm đem lại sự hài lòng trong phục vụ và trải nghiệm cho khách hàng. Đặc biệt, năm nay, ghi nhận trên thị trường Tết, xu hướng và thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và thích ứng.

Từ cuối quý 3, nền kinh tế có tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn, tạo đà cho sự khởi sắc của thị trường Tết với sức mua được cải thiện. Những tín hiệu khả quan được ghi nhận nhưng các chuyên gia kinh tế khá thận trọng đưa ra nhận định về sự bứt tốc hay sôi động của thị trường bán lẻ nội địa như những năm trước bởi chưa có tín hiệu rõ rệt cho thấy, người tiêu dùng đã nới lỏng chi tiêu.

Trong kết quả khảo sát vừa được công bố trong đầu quý 4, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam dự báo, trong dịp Tết 2024 người tiêu dùng sẽ không chi tiêu nhiều mà có xu hướng mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm. Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân gặp khó khăn về tài chính (khoảng 28% hộ gia đình, tăng 7% so với giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19).

Về xu hướng tiêu dùng hàng Tết, theo báo cáo của Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể không cắt giảm những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết trong giỏ chi tiêu mà có xu hướng chuyển dịch thứ tự ưu tiên khi lựa chọn sản phẩm. Trong đó, ưu tiên hàng hóa sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…

Thực tế này khiến các doanh nghiệp sản xuất, phân phối có kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau, trong thời điểm phân hóa ngày càng nhiều, đồng thời duy trì hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm.

Bảo Thoa - Lê Hạnh