Những nhà giáo truyền cảm hứng học tập cho học trò
Cô giáo mầm non yêu trẻ bằng cả tấm lòng Tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người Tiếp tục nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo |
Những tấm gương tiêu biểu
Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Thời gian qua, từ phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Dù ở điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo luôn nỗ lực tự hoàn thiện, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Cô giáo Trần Thị Mai Trang (giáo viên Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng) trong một tiết dạy. |
Cô giáo Trần Thị Mai Trang (giáo viên Trường Tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng) là một ví dụ. Với ước vọng “Mở ra tri thức - Chạm tới trái tim học trò - Lan tỏa yêu thương đến cộng đồng”, cô đã thắp sáng ý tưởng, hiện thực hóa những sáng tạo của mình thành các dự án giáo dục giá trị và đầy thiết thực cho học sinh.
Chia sẻ về các dự án trong trường học, cô giáo Trần Thị Mai Trang cho biết, dạy học dự án ở tiểu học gặp khá nhiều khó khăn như: Lứa tuổi của học sinh còn nhỏ, các dự án đòi hỏi thời gian dài để thực hiện, giáo viên Tiểu học dạy nhiều môn. Tuy nhiên, không để những trở ngại đó cản bước, bằng tình yêu với học trò, cô đã không ngừng sáng tạo đổi mới, mạnh dạn đưa vào lớp học của mình những dự án dạy học như: Dự án “Chúng em tái chế”, dự án “Đèn lồng trong mắt em - Làm đèn lồng bằng vật liệu tái chế” giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường (trong đó dự án “Chúng em tái chế” đã được tổ chức thành show diễn “Thời trang tái chế” tại nhà trường); dự án “Khám phá Khoa học - Làm thí nghiệm không khó” giúp học sinh yêu thích khám phá khoa học…
Đặc biệt, dự án “Học Tiếng Việt qua nghệ thuật” làm kịch rối của cô Trang đã giúp học sinh thêm yêu thích Tiếng Việt và say mê tìm hiểu nghệ thuật dân gian. Hay dự án “Làm phim hoạt hình không khó”, tích hợp liên môn Tiếng Việt, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học - Công nghệ được xem là một dự án lớn của cô cũng như những học trò trong lớp. Không những thế, sự hấp dẫn, sáng tạo của dự án đã thu hút được cha mẹ học sinh cùng hào hứng tham gia.
Cùng với sự thành công của dự án ở học sinh tại lớp chủ nhiệm, cô Trang còn lan tỏa tâm huyết, sáng tạo của mình thông qua việc làm báo cáo viên tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Bà Triệu cùng tham gia dự án “Làm phim hoạt hình không khó”.
Hay như thầy giáo Nguyễn Khánh Hoàn (giáo viên Trường Trung học cơ sở Trần Phú, quận Hoàng Mai). Nhận thấy mặc dù môn Toán có vai trò rất quan trọng nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều học sinh chưa thực sự thích học Toán. Nguyên nhân chính là do học sinh chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của môn học này đối với thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, những năm qua, thầy Hoàn đã tìm ra và áp dụng giải pháp “Tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua bài toán thực tế” vào công tác giảng dạy. Việc đưa các bài tập thực tế vào trong giờ học không chỉ giúp cho học sinh thấy được môn Toán gần gũi, thiết thực với cuộc sống mà còn giúp khơi gợi tình yêu và niềm say mê của các em với Toán học; từ đó chất lượng giảng dạy bộ môn thầy phụ trách được cải thiện rõ rệt, hàng năm vượt chỉ tiêu nhà trường giao.
Cao Bạch Phượng (học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú) bộc bạch: “Trước đây em rất sợ học Toán. Nhưng sau khi có thầy Hoàn giảng bài, em đã thích Toán hơn. Những giờ dạy của thầy mang tính thực tế rất cao, giúp học sinh cả lớp luôn hứng thú để tìm tòi những kiến thức mới. Em rất thích bài học đo chiều cao cây xanh trên sân trường mà thầy dạy…”.
Cô giáo Trương Thị Hiền (giáo viên Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”. |
Cô giáo Trương Thị Hiền (giáo viên Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”, kết nối hiệu quả giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Ứng dụng đã giúp ích rất nhiều cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa, nhất là với học sinh hòa nhập. Theo đó, giáo viên có thể giao nhiệm vụ riêng cho từng học sinh, giúp các em không cảm thấy mình có sự khác biệt hoặc bị bỏ quên so với các bạn cùng lớp, bảo đảm được nguyên tắc về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học là không so sánh giữa các học sinh, lại có thể tạo động lực giúp các em phát huy năng lực, sở trường để tự tin tiến bộ.
Nền tảng quyết định chất lượng giáo dục
Những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới trường lớp trên khắp địa bàn Thành phố được quan tâm mở rộng, từng bước chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh các cấp và của tất cả mọi người dân Thủ đô, cũng như yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ hội nhập và phát triển…
Những thành tựu này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô - những người “chở đạo”, “trồng người”, “ươm mầm tri thức” đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ. Chính sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành GD&ĐT Thủ đô.
Thời gian tới đây, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng GD&ĐT; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; quan tâm phương pháp kiểm tra, đánh giá với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”; tích cực, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT; xây dựng chính sách xã hội hóa giáo dục và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình giáo dục; thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô…
Bình luận