Đẩy mạnh liên kết tạo cầu nối ra thị trường cho các sản phẩm OCOP Hàng trăm sản phẩm OCOP của Quảng Nam có mặt tại TP.HCM Hàng nghìn mặt hàng nông sản được quảng bá tại “Festival nông sản Hà Nội” lần 2

Phát triển thương hiệu sản phẩm

Thạch Thất nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 25km. Là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng, kết nối liên vùng Tây Bắc với hệ thống giao thông thuận lợi, có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế. Toàn huyện có 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được Ủy ban nhân dan (UBND) Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Huyện cũng có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, là lợi thế khi thực hiện Chương trình OCOP.

Bà Vũ Thị Quý, chủ cơ sở sản xuất chè kho tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho biết, sản phẩm chè kho Đại Đồng được công nhận OCOP năm 2020, được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua quảng bá, tiêu thụ giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ do thành phố Hà Nội và huyện tổ chức. Doanh thu cơ sở đạt khoảng 200 triệu đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Sản phẩm OCOP giúp người dân Thạch Thất thoát nghèo
Theo bà Vũ Thị Quý, các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: K.Tiến)

Cũng theo bà Quý, nhờ việc phát triển thương hiệu sản phẩm mà gia đình bà đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng các loại máy như nồi hơi đun đậu, nồi cô đặc, máy xay, máy hút chân không… Các loại máy móc sản xuất chè kho giúp cho quá trình làm bánh trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, nhất là không lo chè bị cháy, khét, hỏng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

“Thực tế cho thấy, các sản phẩm làng nghề truyền thống, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể. Tham gia Chương trình OCOP, các hộ nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm”, bà Quý bày tỏ.

Tương tự, tại Làng nghề mộc Canh Nậu (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất), việc phát triển các sản phẩm đồ gỗ nội thất mỹ nghệ ra đời vào năm 1956, đến năm 2002 được UBND thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đến nay, các sản phẩm của làng nghề hướng tới tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập từ trung bình đến mức cao ,được các cá nhân, doanh nghiệp đến đặt trực tiếp với chủ xưởng.

Được công nhận sản phẩm OCOP, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của làng nghề đã được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến. Một số xưởng mộc trong làng Canh Nậu đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại thay vì làm hoàn toàn thủ công từ công đoạn pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện, phụ thuộc hoàn toàn vào sức lao động chân tay, để hỗ trợ sản xuất.

Hàng năm, nghề mộc của xã thu hút hàng ngàn lao động bởi mức thu nhập khá cao. Đối với lao động mới vào nghề, thu nhập thường dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng, còn những chủ cơ sở thì có thể lên đến 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thu hút nhiều lao động, những “bàn tay nghệ nhân vàng” khéo léo thường được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc để tập trung vào những công đoạn hoàn thiện sản phẩm cần tới độ tinh xảo cao, tạo sự khác biệt.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP giúp cho nhiều hộ kinh doanh trong làng cải thiện nguồn thu nhập nhờ sản phẩm chất lượng, tạo ra sự lan toả mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành nghề nông thôn.

Cơ hội để các sản phẩm làng nghề vươn xa

Trước đó, phát biểu khai mạc tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2023 tại Thạch Thất, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, cho biết, đến nay, Thạch Thất đã có 142 sản phẩm OCOP được UBND Thành phố đánh giá, xếp hạng; trong đó có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, như: Sản phẩm gỗ trường kỷ, đồng hồ, sập thờ của hộ kinh doanh Nguyễn Trung Đức (xã Canh Nậu); rau ăn lá, củ, quả theo mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải); rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình)…

Sản phẩm OCOP giúp người dân Thạch Thất thoát nghèo
Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giúp người dân Thạch Thất thoát nghèo (Ảnh: K.Tiến)

Được biết, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã... đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Kết quả thực hiện Chương trình OCOP đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt 35.913.480 triệu đồng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 100 triệu đồng/người và mục tiêu đến năm 2025 là 120 triệu đồng/người.

Năm 2023, huyện Thạch Thất phấn đấu có thêm từ 20 đến 30 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đồng thời, tổ chức, đánh giá, phân hạng cho 49 sản phẩm OCOP đã hết thời gian; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, UBND huyện Thạch Thất phối hợp với các đơn vị tư vấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Đối với chủ thể tham gia OCOP tại các làng nghề, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm… phù hợp nhu cầu thị trường và chuẩn bị hồ sơ để trình UBND Thành phố đánh giá, phân hạng vào cuối năm 2023.

Để tiếp tục nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường những giải pháp trọng tâm, như: Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; tham gia chuỗi liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hàng trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch…