Thầy giáo khởi nghiệp với máy sấy "vạn năng"
TP.HCM: Phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2024 Hành trình chiếm lĩnh thị trường của bánh mì Má Hải TP.HCM: Hàng trăm phụ nữ khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống |
Ít ai biết rằng, từ một đơn đặt hàng nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tưởng chừng chỉ nằm trên giấy như nhiều đề tài khác nhưng thầy giáo Phan Văn Hiệp đã thành công khi hoàn thiện dự án sấy nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời, giải bài toán chế biến nông sản cho bà con nông dân.
Khởi nghiệp từ bục giảng
Năm 2017, thầy Hiệp nhận đề tài nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy cá sặc rằn cho Hợp tác xã thủy sản Tương Lai (Củ Chi) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Thầy Hiệp nhanh chóng hoàn thành đề tài chỉ trong thời gian ngắn là 5 tháng.
Chưa từng có khái niệm khởi nghiệp và gần như không để ý đến tính ứng dụng của đề tài, nhưng với hàng loạt cuộc gọi điện thoại nhờ tư vấn đã được thầy Hiệp tiếp nhận sau lần tình cờ xuất hiện trên một phóng sự của một đài truyền hình.
Thầy Phan Văn Hiệp, CEO Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS. |
Đi đến từng địa phương, sấy đủ loại nông sản, thạc sĩ Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Trường Đại học Văn Hiến) kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (Công ty ITS) - nhanh chóng "gãi" vào đúng chỗ “ngứa” của nông dân Việt Nam.
Theo thầy Hiệp, hành trình đưa sản phẩm từ bục giảng “chạm” đến thị trường gặp muôn vàn khó khăn. Khởi nghiệp với suy nghĩ ngây thơ, loay hoay không biết tiếp cận khách hàng như thế nào, thầy Hiệp lấy phương châm chứng thực làm kim chỉ nam. Không ngại khó, người thầy giáo này đã đi đến khắp các tỉnh thành để thử nghiệm mô hình sấy cho bà con nông dân với nhiều loại nông sản khác nhau. Bên cạnh đó, vấn đề vốn để khởi nghiệp cũng khiến thầy Hiệp đau đầu.
“Lúc đó, tôi phải tự xoay vốn để duy trì đội ngũ nhân sự vận hành dự án khởi nghiệp, gần như bắt đầu từ số không. Nguyên nhân cũng xuất phát từ nguồn vốn quá hạn chế, eo hẹp không đủ chi phí để tuyển dụng đủ cho từng vị trí, điều này làm chậm quá trình phát triển dự án”, thầy Hiệp cho biết.
Đầu năm 2022, dự án sấy nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời của thầy Hiệp đã được tuyển chọn tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP-IC). Tại đây, Công ty ITS được hỗ trợ từ việc quản lý, quảng bá cho đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sáng chế khi đưa máy sấy ra thị trường.
Giải nhiều bài toán bảo quản nông sản
Theo thầy Hiệp, Việt Nam là quốc gia mạnh về sản xuất nông sản, đây cũng là lợi thế cho việc phát triển kinh doanh của người nông dân. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, dẫn đến việc mang lại giá trị kinh tế không cao.
“Theo truyền thống, các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình chế biến nông sản bằng cách làm khô với phương pháp sấy gia nhiệt, sử dụng nhiên liệu là chất đốt như tro trấu, củi, dầu, ga hay tận dụng nắng tự nhiên để phơi... Tuy nhiên, những phương pháp trên tiêu tốn nhiều năng lượng, nhân công và gây ra ô nhiễm môi trường,..”, thầy Hiệp chia sẻ.
Mấy sấy “vạn năng” giúp người nông dân bảo quản nông sản sau thu hoạch. |
Việt Nam là quốc gia có số giờ nắng cao nên nguồn năng lượng mặt trời gần như là vô tận. Trên cơ sở đó, thầy Hiệp đã sáng chế ra thiết bị thu nhiệt mặt trời gọi là “bẫy nhiệt mặt trời” để hỗ trợ người dân trong quá trình chế biến sau thu hoạch. Đây là thiết bị cho hiệu quả thu nhiệt mặt trời tốt nhất trên thị trường hiện nay, với diện tích "bẫy nhiệt" nhỏ nhưng cung cấp đủ nhiệt lượng để sấy sản lượng lớn nông sản.
Chẳng hạn, để sấy 1 tấn bún gạo khô, một doanh nghiệp ở Củ Chi cần diện tích "bẫy nhiệt" trên mái tôn xấp xỉ 1000 m2 mới đủ lượng nhiệt để sấy, trong khi máy sấy ITS chỉ cần diện tích xấp xỉ 30 m2.
Thiết bị ứng dụng công nghệ sấy động giúp cho các sản phẩm chuyển động liên tục, nhờ đó mọi vị trí trên trên vỉ sấy, mọi tầng vỉ sấy đều nhận được gió và nhiệt đều như nhau, giúp sản phẩm khô rất nhanh và đồng đều. Đặc biệt, trong quá trình sấy có thể gia tăng thêm số tầng sấy để tiết kiệm được không gian và tăng được sản lượng nông sản sấy.
Tôm được sấy khô. |
Ngoài ra, hệ thống tách ẩm ngõ vào của máy sấy sẽ lọc bụi và tách nước từ không khí bên ngoài trước khi đưa vào buồng sấy, tạo một luồng không khí rất khô. Theo thầy Hiệp, giải pháp này giúp hạ nhiệt độ sấy, làm sản phẩm giữ được chất dinh dưỡng, giữ được cảm quan màu sắc và hình thể tương đương như công nghệ sấy lạnh.
Giải bài toán về an toàn thực phẩm, công nghệ đèn cực tím dải C (UVC) là công nghệ có chi phí thấp và bền vững nhưng có tác dụng khử trùng diệt khuẩn đặc biệt hiệu quả, lại an toàn ngay trong quá trình sấy. Đặc biệt, đối với thủy hải sản, máy sấy có thể khử triệt để các dòng vi sinh có hại, do đó các sản phẩm sấy bằng thiết bị này đảm bảo đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng theo thầy Hiệp, màn hình LCD được thiết lập trên máy với hàng loạt các thông số sấy giúp người dùng điều chỉnh, kiểm soát dễ dàng các thao tác và kiểm soát thông số sấy. Nhờ đó, máy sấy ITS rất đa năng, có thể sấy hầu hết các dòng sản phẩm nông nghiệp hiện nay như thủy sản, trái cây, rau củ, thực phẩm, dược liệu, phụ phẩm nông nghiệp,…
Cần hàm lượng công nghệ để khó sao chép
Năm 2023, thầy Hiệp tung ra thị trường dòng máy sấy quy mô nhỏ với hơn 100 máy. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng bị nhiều đơn vị làm giả và quảng cáo bán trên các nền tảng khác nhau.
Khi phát hiện ra một đơn vị rao bán thiết bị máy sấy của mình, thầy Hiệp gửi ngay một văn bản đến đơn vị trên, tuy nhiên điều mà thầy nhận lại là sự im lặng thách thức.
Công nghệ của thầy Hiệp giúp sản lượng nông sản sấy khô tăng mạnh. |
Theo thầy Hiệp, từ đề tài nghiên cứu khoa học trong các viện, trường đến một sản phẩm thương mại hóa ra thị trường là một hành trình gian khó, tỷ lệ thương mại hóa thành công chỉ chiếm xấp xỉ 1%. Vì vậy, việc xác lập tài sản trí tuệ để tránh bị sao chép là điều rất quan trọng.
“Đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ nằm trên giấy, các sản phẩm cần được ứng dụng và thương mại hoá ra thị trường. Không chỉ vậy, tôi nghĩ sản phẩm cần có hàm lượng công nghệ và phải được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để tránh bị sao chép”, thầy Hiệp nói.
Trong thời gian tới, ngoài công việc giảng dạy, thầy Hiệp bật mí thêm, sẽ chinh phục thị trường Tây Nguyên với dòng máy sấy năng lượng mặt trời dạng thùng quay, vì nơi đây sở hữu đa dạng các loại dược liệu và nông sản với sản lượng rất lớn. Ngoài sản phẩm máy sấy, giải pháp ứng dụng lọc nước ngọt từ nước nhiễm mặn bằng năng lượng mặt trời cũng sẽ được thầy Hiệp hoàn thiện và đưa ra thị trường.
Bình luận