Về Thụy Phương dự hội đình Chèm
Sẵn sàng lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung Người dân và du khách đổ về Nha Trang dự lễ hội Tháp bà Ponagar Hàng chục ngàn du khách các tỉnh đổ về Lễ hội bánh dân gian Nam bộ 2023 |
Gìn giữ nét văn hóa phù sa sông Hồng
Nằm bên bờ sông Hồng, đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang dáng vẻ u tịch, thâm nghiêm hài hòa với không gian thơ mộng, khoáng đạt của dòng sông. Với những kiến trúc độc đáo cùng nét văn hóa, lịch sử đặc trưng, ngôi đình cổ này được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990, đến năm 2017, được nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Vào dịp tháng 5 Âm lịch, người dân thập phương nô nức về dự Lễ hội Đình Chèm. |
Được biết, Đình Chèm (hay còn gọi là đền Chèm, đền Lý Hiệu Úy) có lịch sử cách đây khoảng hai nghìn năm. Đình thờ Ðức Thánh Chèm tên là Lý Thân, tức Lý Ông Trọng, được lưu truyền là nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt, là người đỗ Hiếu Liêm đầu tiên (tiến sĩ), đồng thời cũng là Lưỡng quốc tướng quân đầu tiên của nước ta.
Lý Ông Trọng sinh thời Hùng Vương thứ 18, làm quan thời Hùng Vương và thời Thục Phán An Dương Vương. Không chỉ có công đánh giặc, giữ nước cả 2 triều đại, Lý Ông Trọng còn giúp vua Tần trừ giặc Hung Nô và được gả công chúa Bạch Tinh Cung, chính vì vậy ông được phong Lưỡng quốc tướng quân. Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm là quê gốc của ngài.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích Đình Chèm, Lễ hội Đình Chèm được tổ chức thường niên để tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng. Đây là dịp để những người con xa quê tìm về nguồn cội và du khách thập phương tìm hiểu thêm những nét đẹp văn hoá truyền thống của mảnh đất, con người quận Bắc Từ Liêm.
Sâu xa hơn, lễ hội cũng là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng thời xã xưa. Không giống phần lớn lễ hội miền Bắc chủ yếu diễn ra vào dịp tháng giêng, hai, hội Chèm được tổ chức giữa cái nắng đổ lửa của tháng 5 Âm lịch. Chính hội ngày 14 - 16 nhưng việc làng đã bàn giao ngay từ đầu năm.
Các nam thanh niên mặc váy khênh kiệu tại Lễ hội Đình Chèm. |
Lễ hội được chia thành 2 phần: Phần lễ và phần hội. Các nghi lễ đặc trưng trong lễ hội bao gồm: Lễ rước nước trên sông Hồng, lễ rước văn, phát tấu, lễ yên vị, lễ mộc dục, lễ phóng sinh… Phần hội có các hoạt động sôi nổi và hấp dẫn như: Thi làm chè kho, thi bơi, vật, bắt vịt nước, chơi cờ người, đấu vật…
Để thực hiện nghi lễ, Ban tổ chức phải huy động lực lượng lớn đoàn rước gần 400 người. Đoàn rước xuất phát từ đình, đi xuống bến ngự. Các thành viên trong đội rước mặc trang phục truyền thống, diễn lại sự tích Đức Thánh Chèm ra trận. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng do thanh niên đảm nhiệm, theo sau là đội đánh trống, đánh chiêng. Tiếp đến là hàng tổng cờ vừa đi vừa múa cờ, kế đến hàng chức việc cầm vũ khí: Gươm hầu, bát bửu, chấp kích... Theo sau là 2 đội nhạc lễ: Bát âm, đồng văn (trống) tấu bài lưu thủy rộn ràng réo rắt...
Xuống tới bến, đoàn rước lần lượt xuống thuyền, chèo thuyền ra khoảng giữa sông Hồng, thuyền chính quay 3 vòng để lấy nước. Nước rước được dùng làm lễ Mộc Dục tắm bài vị cho Đức Thánh. Buổi chiều, được bắt đầu bằng tiết mục cúng phát tấu do các cụ ông trong trang phục truyền thống thực hiện. Sau cúng phát tấu là lễ rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm. Khi văn tế về đình, đội tế lễ của 3 làng cùng làm lễ tế để nhập tịch…
Phát huy giá trị lịch sử gắn với phát triển du lịch
Đời sống mới, nhiều nếp lễ nghi hội Chèm cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, câu “Tam hương đăng hỏa dẫn phong thanh”, tức 3 làng cùng hương khói, phụng thờ ngài, được khắc trên đình Chèm vẫn như một lời nhắc các thế hệ con cháu giữ nét đặc sắc của lễ hội. Điều đó không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn góp phần củng cố các mối quan hệ xã hội, giữ tinh thần đoàn kết làng xã. Dù có nhiều biến đổi nhưng các giá trị căn cốt vẫn được giữ gìn.
Chia sẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Đình Chèm, Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Thuỵ Phương Nguyễn Việt Phương cho biết, đây là lễ hội lớn trong vùng, có sự tham gia của nhân dân 3 làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường Thuỵ Phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch, thành lập Ban tổ chức và các tiểu ban liên quan đến lễ hội… để đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng theo quy định, đúng các nghi lễ truyền thống của địa phương, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng như Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Lễ hội có sự tham gia của nhiều thế hệ. |
Không chỉ với 3 Làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên, Lễ hội Đình Chèm cũng là lễ hội cổ truyền được quận Bắc Từ Liêm đặc biệt quan tâm. Ông Lưu Ngọc Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận khẳng định: Quận luôn tạo điều kiện tối đa để giữ gìn, phát huy các gia trị văn hóa liên quan đến Lễ hội Đình Chèm.
Để đảm bảo cho lễ hội diễn ra thuận lợi, quận yêu cầu các phòng ban chức năng thuộc quận, phường Thuỵ Phương và Ban quản lý lễ hội phải quan tâm đến văn minh đô thị, vệ sinh môi trường; trang trí tất cả các tuyến đường dẫn đến lễ hội để quảng bá, giới thiệu tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và du khách gần xa biết và tham gia lễ hội. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với địa phương giữ gìn và phát huy giá trị gốc của di tích và Lễ hội Đình Chèm, nghiên cứu phương án để nâng tầm Lễ hội truyền thống Đình Chèm thành lễ hội cấp quận, cấp Thành phố; gắn lễ hội với kỷ niệm 10 năm thành lập quận.
“Cùng với Lễ hội Đình Chèm, thời gian tới quận cũng sẽ chú trọng đầu tư cho Lễ hội bơi Đăm truyền thống phường Tây Tựu. Quận cũng đã đề nghị phòng ban chức năng của quận tham mưu và đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó lưu ý đến công tác thông tin với báo chí để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa về các lễ hội, di tích; giá trị của các lễ hội, di tích trên địa bàn quận”, ông Lưu Ngọc Hà chia sẻ.
Các đội thi làm chè kho. |
Chia sẻ tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội truyền thống đình Chèm, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn, quận Bắc Từ Liêm, xã Thuỵ Phương, Ban Quản lý Di tích Đình Chèm và nhân dân trên địa bàn tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt lễ hội; hướng tới gắn hoạt động lễ hội với công tác phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hoá bền vững, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại trên địa bàn quận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, Lễ hội truyền thống Đình Chèm đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Bình luận