Cô giáo tiểu học miệt mài với sự nghiệp “gieo chữ trồng người”
Đối thoại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ |
Tình yêu nghề lớn dần theo năm tháng
Cô giáo Lê Thu Trang chia sẻ: “Từ khi còn là cô bé học tiểu học, hình ảnh các cô giáo với mái tóc dài ngang lưng và giọng nói vô cùng ấm áp đã in đậm trong tâm trí của một đứa trẻ như tôi, khiến tôi luôn mơ ước sau này sẽ trở thành một cô giáo.
Năm 18 tuổi, nhận giấy báo trúng tuyển, không mảy may suy nghĩ, tôi chọn ngay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có thể hiện thực hóa mơ ước của mình. Và cho đến bây giờ, chưa bao giờ tôi thấy ân hận về quyết định ngày đó. Tôi thực sự tự hào khi được làm thầy biết bao thế hệ học trò thân thương”.
Theo tìm hiểu, năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Lê Thu Trang về công tác tại Trường Tiểu học Thành Công B. Hơn 20 năm trong nghề với bao câu chuyện, vui có, buồn có đã cho cô thêm sự kiên trì, thấu hiểu và đồng cảm với phụ huynh, đặc biệt làm cho cô ngày càng yêu trẻ con hơn.
Cô giáo Lê Thu Trang trình bày trước Hội đồng xét duyệt vòng Chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. (Ảnh: P.T) |
Có rất nhiều câu chuyện cảm động với nghề, với học sinh, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất với cô Trang là với những học sinh đặc biệt. “Có năm học tôi dạy 2 học sinh bị chậm phát triển, giờ ra chơi chạy ra ngoài có lúc bị lấm lem. Tôi thường xuyên phải đi tìm các em về, lau tay, lau mặt dỗ các em ngồi ngoan. Cách đây 3 năm, tôi có dạy một cô bé tên là Phạm Trần Vân San, học lớp 1A3. Cô bé đó những ngày đầu rất nhút nhát, rụt rè. Vậy mà chỉ sau 4 tháng học với tôi, em đã tự tin, nói chuyện với các bạn rất cởi mở và chia sẻ ước mơ sau này làm cô giáo, diễn viên hoặc MC. Sau đó thì em ấy có kỹ năng nói lưu loát, hay đến mức độ mà người lớn cũng như các thầy cô phải ngạc nhiên“, cô Trang nhớ lại.
Trong thời gian giảng dạy, bên cạnh việc thường xuyên tự học tập trau dồi kiến thức, kỹ năng sư phạm, cô Trang còn tích cực tham gia rất nhiều khóa học đến từ các giáo viên trong nước và quốc tế, các diễn giả nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, cô cũng đăng ký tham gia các khóa đào tạo MC, khóa học “Giọng nói nâng cao” tại Việt Nam; khóa học về “Giáo dục đọc sách” tại Hàn Quốc năm 2016.
Với nỗ lực và đam mê cống hiến, cô Trang nhiều lần nhận được lời mời tham gia chương trình “Kỹ năng sống”, game show “Bay vào tương lai” của Đài Truyền hình Việt Nam VTV3; tham gia nhóm viết sách Toán cho Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mô hình lớp học hiện đại mang tên các loài hoa
Không ngừng nghiên cứu, học hỏi, cô Trang đã dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm ra những ý tưởng mới khiến bài học trở nên đầy màu sắc, tạo không khí gần gũi, thu hút để học sinh thấy lớp học giống như khu vườn cổ tích với nhiều điều hấp dẫn, lôi cuốn. Và “Lớp học hiện đại” là chủ đề cô hướng tới trong công tác dạy học của mình.
Theo cô Trang, lớp học hiện đại không chỉ hiện đại về cơ sở vật chất, mà còn là sự hiện đại trong phương pháp dạy học, giáo dục. Đó cũng là lý do để các lớp học mang tên các loài hoa lần lượt ra đời như: “Lớp học Hoa cát tường” năm học 2020-2021, “Lớp học Hoa Trạng nguyên” năm học 2021-2022, “Lớp học Hoa bồ công anh” năm học 2022-2023.
“Tôi đặt tên lớp học theo tên các loài hoa với mục đích hướng học sinh đến với vẻ đẹp trong thiên nhiên, đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống và để học sinh thấy hứng thú, ấn tượng với tên lớp học của mình”, cô Trang chia sẻ.
Cô giáo Lê Thu Trang và các học sinh của mình. (Ảnh: NV) |
Nói về mô hình “Lớp học Hoa cát tường”, cô Trang cho biết: “Ý nghĩa của hoa cát tường là mang lại sự hạnh phúc, niềm vui khi đi học. Do đó, các hoạt động sẽ hướng tới sự hạnh phúc cho học sinh như: Góc hộp thư “Điều em muốn nói”, thư khen, thư chúc Tết, viết chữ thư pháp. Khi họp phụ huynh, tôi cũng tổ chức thành buổi tọa đàm, trao đổi cởi mở giữa giáo viên và phụ huynh về cách giáo dục con theo phương pháp hiện đại, chia sẻ những cuốn sách hay nên đọc. Hằng tháng, học sinh thi Rung chuông vàng, thuyết trình... về các chủ đề phù hợp với lứa tuổi.
Ngoài ra, tôi còn cùng phụ huynh tổ chức các hoạt động từ thiện như đến tặng quà các học sinh ở điểm trường Khe Mạ (tỉnh Yên Bái) để giáo dục các em biết chia sẻ, yêu thương... Sau một năm học, những hoạt động của “Lớp học Hoa cát tường” đã mang lại niềm hạnh phúc cho học sinh khi tham gia”.
Hay lấy ý tưởng từ cuộc thi “Trạng nguyên nhí”, “Trạng nguyên Tiếng Việt”, năm học 2021-2022, mô hình “Lớp học Hoa trạng nguyên” mang ý nghĩa của sự thành công, tài giỏi. Các bài giảng được xây dựng dưới dạng câu chuyện, đưa ra tình huống để học sinh suy nghĩ, tìm cách giải quyết. Nhận thấy kỹ năng sống là một điều vô cùng cần thiết nên cô Trang cũng chú trọng thiết kế các hoạt động giúp học sinh rèn được những kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Trong bối cảnh học tập trực tuyến, cô Trang sử dụng các phần mềm tạo trò chơi, làm bài tập hấp dẫn, nhờ vậy đã tạo được động lực cho học sinh khi học online.
Năm học 2022-2023, mô hình “Lớp học Hoa bồ công anh” mang thông điệp chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi người; hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình “Thư viện sống” - là trang fanpage để up lên những video kể về câu chuyện của học sinh. Các em chính là những cuốn sách sống mang đến cho người đọc là cô giáo, bạn bè, bố mẹ những câu chuyện thú vị về bản thân, ước mơ, trải nghiệm trong cuộc sống.
Ngoài ra, cô Trang còn thành lập các nhóm “Chúng ta là một” (We are one) trong lớp học để tạo sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh, cũng như kết nối phụ huynh với nhau. “Kết thúc năm học, tôi mong muốn các hoạt động này sẽ tạo được tình đoàn kết, yêu thương giữa học sinh với học sinh, phụ huynh với phụ huynh và phụ huynh với giáo viên”, cô Trang bày tỏ.
Trong 3 năm triển khai các hoạt động để xây dựng lớp học hiện đại, thông qua đánh giá của nhà trường, các học sinh của cô Trang tự tin hơn rất nhiều. Các em năng động, sáng tạo, có tư duy phản biện và có giọng nói, cách diễn đạt thu hút người nghe hơn.
Với những mô hình lớp học hiện đại đặc biệt, cô Lê Thu Trang là 1 trong 40 nhà giáo lọt vào Chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 6 năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức.
Bình luận