Xe buýt Hà Nội vận chuyển 13,8 triệu lượt hành khách Hàng nghìn vụ thất lạc đồ được Transerco trao lại cho hành khách Vận tải hành khách công cộng Thủ đô nhiều khởi sắc Nhiều thách thức trong việc tăng sức hấp dẫn của xe buýt

Tăng doanh thu, giảm trợ giá

Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội có đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt và bắt đầu áp dụng mức giá mới từ ngày 1/1/2024.

Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, với cự ly di chuyển dưới 15km, giá vé xe buýt điều chỉnh từ 7.000 lên 8.000 đồng. Với cự ly 15 - 25km, giá vé tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng. Từ cự ly 30km - 40km, mức tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng. Với cự ly trên 40km, giá vé tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.

Dự kiến tăng giá vé xe buýt từ năm 2024: Cốt lõi là nâng cao chất lượng phục vụ
Xe buýt ngày một hấp dẫn vì giá thành rẻ và chất lượng phục vụ không ngừng được cải thiện. Ảnh: Đinh Luyện

Với vé tháng, Sở GTVT Hà Nội đề xuất mức tăng vé một tuyến dành cho học sinh, sinh viên, công nhân tăng từ 55.000 đồng lên 70.000 đồng, vé liên tuyến từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng. Trong đó, ngân sách thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 50% giá vé tháng cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo sẽ được miễn phí khi sử dụng phương tiện công cộng.

Lý giải nguyên nhân đưa ra đề xuất tăng giá vé, Sở GTVT Hà Nội cho biết, lần điều chỉnh giá vé gần nhất là năm 2014. So sánh với thu nhập bình quân của người Hà Nội là khoảng 8,4 triệu đồng, giá vé đang thấp hơn so với mặt bằng chung. Đơn vị cũng dự báo, sau khi tăng giá, số khách đi xe buýt sẽ có xu hướng giảm nhẹ nhưng doanh thu vẫn đảm bảo.

Việc phát triển hạ tầng phục vụ xe buýt hiện đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quỹ đất và quy hoạch phát triển chưa đồng bộ. Trên mạng lưới khó tổ chức giao thông, tách làn hỗn hợp, tạo làn riêng cho xe buýt, không có quỹ đất để hình thành những điểm trung chuyển liên tuyến, nội mạng, điểm đầu cuối ổn định.

Bên cạnh đó, tại các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đầu tư xây dựng ngay từ khâu chuẩn bị dự án chưa dành quỹ đất cho hoạt động xe buýt. Thậm chí, hạ tầng trên tuyến thường xuyên bị chiếm dụng, xâm phạm.

Quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá cho mỗi lượt đi xe buýt hiện không hợp lý. Thay vào đó, khi nào chất lượng xe buýt được cải thiện nhiều hơn mới nên triển khai nội dung này. Anh Nguyễn Việt Đan (quận Đống Đa) cho biết, bản thân anh sử dụng vé liên tuyến ưu tiên cho học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng.

Theo anh Nguyễn Việt Đan, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nên hiện rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, do phải phục vụ khối lượng hành khách lớn nên mùi trên xe, không gian trên xe cần phải sạch sẽ hơn. Đặc biệt, hiện hệ thống nhà chờ xe buýt tại một số điểm vẫn chưa được tốt, cần phải được cải thiện tốt hơn.

Chung quan điểm này, một số ý kiến cũng cho rằng, để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng là xe buýt thì không nên tăng giá vé. Thay vào đó, các cơ quan chức năng cần tăng thật cao giá bến bãi, giải tán tất cả các bến cóc tự phát… đây mới là phương thuốc hữu hiệu giúp giảm ùn tắc giao thông trong nội đô.

Khách hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều

Theo thông tin từ Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco, trong 9 tháng đầu năm 2023, đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, sản lượng khách vé lượt quý III/2023 đã tăng 6,2% so với quý I/2023 và tăng 10,4% so với quý II/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách của doanh nghiệp vận chuyển tăng 42% so với cùng kỳ năm trước (trong đó sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%).

Qua đánh giá từ Transerco, hiện chất lượng dịch vụ xe buýt có chuyển biến tích cực, nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ được cải thiện tốt, công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại các đơn vị được kiểm soát ổn định. Công tác hợp lý hóa luồng tuyến cũng được đẩy mạnh.

Cụ thể, 28 tuyến buýt được điều chỉnh biểu đồ hoạt động cho phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của hành khách; 68 điểm dừng đỗ xe buýt bị hư hỏng, mất an toàn giao thông đã được phối hợp khắc phục, xử lý. Transerco cũng điều chuyển hợp lý hóa 4 tuyến buýt từ Xí nghiệp Xe khách Nam sang các đơn vị trực thuộc khác.

Dự kiến tăng giá vé xe buýt từ năm 2024: Cốt lõi là nâng cao chất lượng phục vụ
Giao thông ùn tắc, thiếu làn đường dành riêng cho xe buýt là một trong những nguyên nhân khiến xe buýt về đích chưa đúng yêu cầu thời gian, làm giảm sức hấp dẫn của loại hình phương tiện giao thông công cộng này. (Ảnh: Đinh Luyện)

Trong các tháng cuối năm 2023, Transerco cho biết, đối với công tác quản lý và sử dụng lao động, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyển dụng và có các giải pháp hiệu quả nhằm giữ chân người lao động. Tiếp tục khảo sát, đề xuất hợp lý hoá lộ trình, tránh các điểm ùn tắc, tăng kết nối và mở rộng vùng phục vụ; đề xuất khắc phục tồn tại, bất cập tại các điểm dừng để tạo thuận tiện cho hành khách và bảo đảm điều kiện cho xe buýt hoạt động.

Transerco cũng yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để có giải pháp thu hút hơn nữa hành khách sử dụng dịch vụ tại bến; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý tăng cường xử lý nạn xe dù, bến cóc...

Với chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, được biết, Transerco đã đồng bộ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút hành khách đi xe buýt như điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tăng cường kết nối mạng lưới nhiều tuyến xe buýt, áp dụng chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với thu nhập cho người lao động.

Từ đó, tạo thêm động lực làm việc cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các đơn vị. Doanh nghiệp cũng tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới phong cách, xây dựng hình ảnh đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe buýt thân thiện, tận tụy và nhiệt tình, tạo tác phong, thái độ phục vụ ân cần, gần gũi với hành khách...

Trở lại câu chuyện đề xuất tăng giá xe buýt từ đầu năm 2024, nhiều hành khách cho biết, việc tăng giá vé như đề xuất của Sở GTVT Hà Nội sẽ không quá ảnh hưởng đến đời sống. Là khách hàng thường xuyên đi làm bằng xe buýt từ suốt gần 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Thanh Oai) cho rằng, mức giá đề xuất của Sở GTVT Hà Nội là chấp nhận được, bởi mức tăng không quá cao.

Theo chị Hồng, do cơ quan làm việc ở quận Hà Đông nên trước đây, chị chủ yếu sử dụng xe máy để di chuyển. Tuy nhiên, nhiều hôm thời tiết thay đổi, mưa gió, tắc đường khiến chị chờ đợi rất mệt mỏi. Chị quyết định bỏ xe cá nhân để di chuyển bằng xe buýt. Trên xe có điều hòa mát lạnh vào mùa hè, đội ngũ nhân viên tận tình chu đáo.

Giá vé hằng tháng cũng chỉ 200.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với di chuyển bằng xe cá nhân. Ngồi trên xe lại không có cảm giác mệt mỏi. Cơ quan cũng có các đồng nghiệp chia sẻ về chất lượng các tuyến buýt nên ngày càng có nhiều người quyết định thay đổi thói quen, rủ nhau đi làm vé tháng để đi buýt cho tiện.

Ở góc nhìn tổng thể, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng việc Hà Nội tăng giá xe buýt vào thời điểm đầu năm 2024 là hoàn toàn phù hợp. Theo chuyên gia giao thông, khi đề xuất và thực hiện có thể có người băn khoăn, tuy nhiên đa số sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình dẫn chứng, bất kỳ ai khi sử dụng xe ôm công nghệ hoặc truyền thống, một chuyến đi ngắn trung bình đã mất 20.000 đồng, mức phí này nếu so với xe buýt là 8.000 đồng - rẻ dưới một nửa phương tiện cá nhân. Điều này cũng là lợi thế và sự hấp dẫn của xe buýt.

Dự kiến tăng giá vé xe buýt từ năm 2024: Cốt lõi là nâng cao chất lượng phục vụ
Chất lượng đoàn phương tiện phục vụ vận tải hành khác công cộng trên địa bàn Thủ đô ngày một nâng cao. (Ảnh: Đinh Luyện)

Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc tăng giá xe buýt là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá này cần phải kèm theo các điều kiện như chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất của hệ thống giao thông công cộng phải tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn nữa.

Rõ ràng, dù có nhiều ý kiến trái chiều tuy nhiên nếu xét trên góc độ tổng quan, việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác. Ngoài ra, khi giá vé xe buýt tăng phù hợp cũng trực tiếp giảm bớt áp lực cho ngân sách Thành phố, tạo điều kiện “quay vòng”, giúp các đơn vị vận hành buýt có thêm điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ.