Tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người Tuyên dương giáo viên có nhiều đóng góp cho phong trào thiếu nhi Thủ đô Nữ nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo

Những người “truyền lửa”

Từ phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của ngành Giáo dục Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Dù ở điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo luôn nỗ lực tự hoàn thiện, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

Cô giáo Lê Thị Hồng Thu (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dương Xá, huyện Gia Lâm) là một ví dụ. Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô Thu còn có nhiều giải pháp để chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh, hạn chế tối đa những ảnh hưởng của việc học trực tuyến. Sáng kiến mang tính ứng dụng cao đã kịp thời hỗ trợ, khắc phục việc học sinh ngại giao tiếp, giảm áp lực, củng cố tinh thần và nhanh đáp ứng khi đi học trở lại.

Những nhà giáo truyền cảm hứng cho học sinh, đồng nghiệp
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan (giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, quận Đống Đa) đã có nhiều đổi mới trong quản lý, giảng dạy với học sinh lớp 12. (Ảnh: P.T)

Trong điều kiện chất lượng đầu vào của trường không cao (trung bình từ 5 đến 6 điểm/môn), cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan (giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, quận Đống Đa) với cương vị là Tổ trưởng chuyên môn, đã có nhiều đổi mới trong quản lý, giảng dạy với học sinh lớp 12. Vì thế, dù việc dạy - học bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, học sinh của trường có bước đột phá với điểm trung bình tốt nghiệp môn ngữ văn đạt hơn 7,6 điểm, nằm trong nhóm 10 trường có điểm cao nhất Thành phố.

Bên cạnh các giải pháp về đổi mới trong quản lý, phương pháp dạy học, nhiều ý tưởng đổi mới hoạt động nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp giữa nhà trường và gia đình nhằm hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc được các thầy cô giáo triển khai hiệu quả. Điều này đúng với cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông La, huyện Hoài Đức). Cô cùng các đồng nghiệp xây dựng trường trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục huyện Hoài Đức. Trước tác động của dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Dung đã chỉ đạo nhà trường đi đầu trong tổ chức dạy học online và chia sẻ kinh nghiệm với 2.000 giáo viên cả nước trên Diễn đàn Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam.

Mô hình trường học online của cô Dung đã lan tỏa đến các trường ở Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Kon Tum, Quảng Trị. Cô cũng tham gia và là điều phối viên của nhiều dự án cộng đồng miễn phí, hỗ trợ hàng nghìn giáo viên về trình độ công nghệ thông tin và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ. “Tôi may mắn được sống trong tập thể đoàn kết và giàu nhiệt huyết. Trong lúc khó khăn, nhất là thời gian xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi nhiều hôm thức đến 1-2 giờ sáng để tìm ra những giải pháp thực hiện các bài giảng”, cô Dung chia sẻ.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương

Không chỉ đổi mới, sáng tạo, các nhà giáo còn lan tỏa những nét đẹp, truyền cảm hứng, động lực tới học sinh cũng như đồng nghiệp. Cô giáo Lã Thị Thanh Hằng (giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Định, quận Hoàng Mai) trong mắt học trò là người gieo mầm yêu thương. Cô như người mẹ đầu tiên của em Nông Diệu Châm - một học sinh bị bệnh bẩm sinh, thiếu vắng mẹ từ lúc mới 2 tuổi. Bằng cảm xúc sâu sắc, chân thành, Diệu Châm chia sẻ: “Cô Hằng đã giúp em vượt qua những mặc cảm, tự ti để hòa nhập với bạn bè. Cô như người mẹ, người truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để em vượt qua hoàn cảnh, học tập như bao bạn đồng trang lứa”.

Hay như thầy giáo Nguyễn Đức Trường (giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm). Do ảnh hưởng di chứng chất độc mầu da cam trong chiến tranh từ người cha để lại mà thầy Trường sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Đôi chân thầy bị chứng teo cơ nên đi lại hết sức khó khăn, thường phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Ngoài những ngày đi châm cứu chữa bệnh, thầy tập đi và cố gắng đến trường. Dù mệt mỏi, đau đớn nhưng với lòng ham học và nghị lực vượt khó phi thường, thầy Trường đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi bước chân đến lớp của cậu bé Nguyễn Đức Trường năm ấy, mỗi bước chân lên bục giảng của thầy giáo Nguyễn Đức Trường ngày nay đều chất chứa biết bao gian khó, nhọc nhằn. Nhưng đó cũng là những bước chân can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, trở thành bài học không lời mà cao thượng, sâu sắc diệu kỳ cho những học sinh của thầy và cho tất cả chúng ta. Với thầy Trường, Toán học chính là ngọn lửa của niềm đam mê, để rồi khi chọn con đường sư phạm, thầy đã trở thành người “giữ lửa” và “truyền lửa” cho biết bao thế hệ học trò. Mỗi bài giảng của thầy đều chứa đựng sự nhiệt tình chân thành, xuất phát từ nguyện vọng tha thiết để học sinh thêm hiểu, thêm yêu môn học.

“Với tôi, thầy như một người cha hiền từ mang đến cho tôi nụ cười tuổi thơ và giúp cho tôi hiểu được ý nghĩa của Toán học”; “Thầy chính là người đã nuôi dưỡng ước mơ trong tôi, giấc mơ về nghề thầy giáo dạy Toán”; “Thầy không chỉ là tấm gương sáng của tôi trong học tập mà còn trong cách làm người ở chính sự vị tha, sự lạc quan và cả nghị lực của thầy”... Đó chính là những lời tâm sự chân thành của rất nhiều thế hệ học sinh Trường Trung học cơ sở Đa Tốn dành cho thầy Trường.

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi bằng trái tim yêu thương, Nhà giáo Ưu tú Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn.
Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, ngày ngày đồng hành cùng các “mầm xanh” thiệt thòi bằng trái tim yêu thương, cô giáo Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm) đã góp phần giúp con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn. (Ảnh: N.C)

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, trưởng thành từ vị trí giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Tiểu học, Hiệu trưởng phụ trách trường, cô giáo Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm) luôn cần mẫn mày mò những phương pháp, cách làm để nhà trường hoạt động hiệu quả, trở thành “ngôi nhà chung” tràn đầy tình thương yêu đối với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường chia sẻ, trước khi xin cho con vào học, họ đã lặng lẽ đến trường quan sát và rất ngạc nhiên khi thấy buổi sáng cô Hiệu trưởng ra tận cổng trường đón học sinh bằng những cái ôm ấm áp và nụ cười hiền hậu.

“Trong những năm con theo học ở đây, cô Hiệu trưởng luôn nhiệt tình trong công việc, giỏi trong quản lý. Với học sinh khuyết tật học hòa nhập, việc quản lý, dạy dỗ các em đòi hỏi sự tâm huyết, đầu tư thời gian công sức hơn nhiều so với trẻ thường. Cô Hà đã cùng tập thể nhà trường đưa mảng giáo dục học sinh khối hòa nhập trong trường đạt được những kết quả tích cực”, anh Phạm Quang Hưng (phụ huynh có con từng học tại Trường Tiểu học Bình Minh) cho biết.

Tấm gương sáng tạo của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường là những bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó cũng là sự kết tinh lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để tạo ra những việc làm sáng tạo, hiệu quả, khoa học hơn trong hoạt động giảng dạy.