Nâng cao năng lực chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Cô giáo tiểu học miệt mài với sự nghiệp “gieo chữ trồng người” Đối thoại nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Tâm huyết, sáng tạo trong công tác chuyên môn

Cô giáo Lê Thị Đào cho biết, tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Tổ Xã hội có 3 bộ môn là lịch sử, địa lí và giáo dục công dân. Để quản lý, điều hành công tác chuyên môn của Tổ đòi hỏi Tổ trưởng chuyên môn phải nắm bắt được những thế mạnh, hạn chế của mỗi nhóm chuyên môn và của mỗi giáo viên, đồng thời phải nhanh nhạy nắm bắt được các chủ trương, chỉ đạo của ngành, sở, nhà trường để xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời đến các thành viên trong Tổ.

Cô giáo Lê Thị Đào, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh: NVCC)
Cô giáo Lê Thị Đào - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Xã hội, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (bên phải). (Ảnh: NVCC)

Trên cương vị Tổ trưởng chuyên môn từ năm 2016 đến nay, cô Đào luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn của Tổ phù hợp với nhiệm vụ được giao, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các nhóm khoa học, phát huy được thế mạnh của từng nhóm, từng thầy cô. Nhờ vậy, Tổ Xã hội luôn đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, tình yêu quê hương đất nước, ý thức chấp hành pháp luật và các kỹ năng sống.

Trong các năm học gần đây, Tổ Xã hội đã xây dựng được các chuyên đề giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Từ mùa xuân ta có Đảng, Non sông thống nhất, Giải phóng Thủ đô, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Thanh niên với môi trường, tìm hiều văn các nước ASEAN, An toàn giao thông, Tình yêu tuổi học trò... Các chuyên đề đã thu hút được đông đảo học sinh. Các em rất hoà hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp này.

“Là Tổ chuyên môn có nhiều môn học khác nhau, đòi hỏi Tổ trưởng chuyên môn phải hiểu rõ đặc thù của từng môn học và khả năng chuyên môn của từng giáo viên trong Tổ để có sự phân công, giúp đỡ các nhóm chuyên môn và các giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đã dành nhiều thời gian để dự giờ và góp ý cho các giáo viên trong Tổ, qua đó các giáo viên đã có nhiều tiến bộ trong tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp và đạt thành tích cao trong giảng dạy.

Đặc biệt, hoạt động mũi nhọn của Tổ là bồi dưỡng học sinh giỏi cho các kỳ thi học sinh giỏi cấp Cụm, cấp Thành phố, cấp Quốc gia. Trong năm học 2021-2022, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của bộ môn Địa lí và Lịch sử đạt nhiều thành tích cao khi có học sinh đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia môn địa lí; 2 giải Nhì cấp Thành phố môn địa lí; 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích cấp Thành phố môn lịch sử. Ngoài ra còn có nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cấp Cụm môn lịch sử và địa lí”, cô giáo Lê Thị Đào chia sẻ.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn địa lí - một bộ môn thường được coi là môn phụ vì rất ít các trường đại học tuyển sinh theo tổ hợp có môn học này, cô giáo Lê Thị Đào luôn trăn trở làm thế nào để học sinh yêu thích môn địa lí. Chính vì vậy, cô đã rất tích cực trong việc tự bồi dưỡng về chuyên môn cũng như luôn thay đổi phương pháp, tổ chức dạy học để phù hợp với đối tượng học sinh cũng như những đổi mới trong giáo dục.

Quan tâm công tác hướng nghiệp cho học sinh

Giáo dục học sinh là công tác phức tạp, đòi hỏi người giáo viên không chỉ có nghiệp vụ sư phạm vững vàng mà còn phải đi sâu, đi sát để hiểu được thế mạnh, hạn chế của học trò, từ đó đưa ra các định hướng trong học tập, trong việc chọn ngành nghề trong tương lai, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết và trên hết người giáo viên phải có tình yêu thương con trẻ hết lòng.

Ngay từ lớp 10, cô Đào đã động viên học sinh tham gia các câu lạc bộ của trường như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ văn nghệ... và cùng học sinh trong lớp đã tổ chức giải kéo co, cầu lông để các em vui chơi, rèn luyện sức khoẻ sau giờ học và tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó trong lớp.

Nữ nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo
Cô giáo Lê Thị Đào cùng phụ huynh và các em học sinh trong Lễ tri ân và trưởng thành. (Áo vàng ở giữa) (Ảnh: NVCC)

Cùng với các hoạt động ngoại khoá của nhà trường, cô cũng tổ chức hoạt động ngoại khoá gắn liền với môn học địa lí cho riêng lớp cô chủ nhiệm. “Năm lớp 11, tôi đã xây dựng kế hoạch hoạt động ngoại khoá cho học sinh lớp tôi với chủ đề “Thanh niên Hà Nội với môi trường”. Hoạt động ngoại khoá là một chuỗi các hoạt động hướng về môi trường kéo dài trong cả học kì I, bao gồm các hoạt động: Tìm hiểu về môi trường Hà Nội (diễn ra trong tháng 9,10); các nhóm báo cáo kết quả tìm hiểu về môi trường (tháng 11); làm các sản phẩm tái chế từ quần áo cũ, chai nhựa, giấy báo... (tháng 12) và trồng cây, trang trí cây xanh trong lớp và khuôn viên nhà trường (tháng 1).

Qua hoạt động ngoại khoá này, các em đã học hỏi được nhiều kỹ năng sống cũng như có ý thức tốt hơn trong bảo vệ môi trường sống xung quanh mình và từ những nhận thức về môi trường, các em đã có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Từ thành công này, tôi đã đề xuất nhà trường cho Tổ Xã hội thực hiện chuyên đề giáo dục trong toàn khối lớp 11 để ý thưc bảo vệ môi trường trong học sinh được lan toả rộng rãi hơn”, cô giáo Lê Thị Đào thông tin.

Việc hướng nghiệp cũng là điều mà giáo viên chủ nhiệm cần định hướng sớm cho học sinh. Lựa chọn nghề nghiệp như thế nào để vừa phù hợp với năng lực, sở thích của học sinh, yêu cầu của xã hội và các em sau này có thể sống được với nghề nghiệp mà mình lựa chọn là những trăn trở của cô khi làm công tác chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh giỏi, các em có nhiều ước mơ hoài bão và phụ huynh có nhiều kỳ vọng.

Cô đã mạnh dạn mời Tiến sĩ Tâm lí học Trương Thị Hoa (Khoa Tâm lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một chuyên gia trong lĩnh vực huướng nghiệp, tổ chức một buổi tọa đàm cho các em học sinh và phụ huynh ngay tại lớp học trong giờ sinh hoạt lớp với chủ đề “Em chọn nghề gì?” vào năm lớp 11. Sau buổi toạ đàm các em khám phá ra mình là ai, mình thích gì, mình có năng lực gì và mình phù hợp với nghề nào? Với việc định hướng nghề nghiệp sớm như vậy đã giúp cho các em chọn được ngành học, trường học trong tương lai, từ đó các em đặt ra các mục tiêu, kế hoạch học tập tốt nhất cho lớp 12.

“Tâm huyết, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu đối với nghề dạy học. Sự tâm huyết sáng tạo của người giáo viên mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, cho chính bản thân giáo viên và môi trường giáo dục”, cô Lê Thị Đào chia sẻ.

Với sự tâm huyết, sáng tạo của mình, cô giáo Lê Thị Đào vinh dự là 1 trong 40 nhà giáo, đại diện cho hàng chục nghìn nhà giáo Thủ đô được trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 6, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.