Ấn tượng không gian văn hóa, ẩm thực, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô Mùa xuân từ những cung đường

Ai cũng hiểu dù có đưa vợ bao nhiêu tiền thì cũng là để vun vén cho gia đình. Rồi tiền ấy lúc thì mua cho chồng cái áo, cho con quyển vở, có khi người phụ nữ chẳng mua được cho mình cái gì!

Cái nết tiết kiệm để lo cho gia đình muôn đời vẫn là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ. Và đôi khi, người ta lại cho rằng đó là “thực dụng”. Thế nhưng họ vẫn vui vẻ đón nhận, miễn sao sử dụng được đồng tiền - công sức của vợ, của chồng một cách hợp lý, hiệu quả.

Tặng quà bằng "ting ting" có làm giảm ý nghĩa ngày 8/3?
Chị em được tặng “ting ting” rồi rủ nhau đi mua sắm, lại được vui vẻ gặp gỡ... (Ảnh: Minh Phương)

Mấy năm nay, chị Hoàng Ngọc Bích (ở Hoàng Mai, Hà Nội) đều được chồng “bắn tiền” qua tài khoản mỗi dịp lễ, Tết hay sinh nhật. Chia sẻ về điều này, chị Bích kể: “Từ hồi yêu nhau đến lúc lấy nhau, bất kể ngày lễ gì ông xã cũng đều mua hoa kèm theo quà để tặng vợ, thế nhưng mấy năm gần đây, mình nói chuyện với ông xã không cần tặng nữa mà chuyển tiền mặt vào tài khoản để mình tự đi mua.

Thú thật, quà thì ai cũng thích nhưng không phải lúc nào họ cũng mua đúng ý mình, mà đàn ông thì toàn mua đắt, rất xót ruột. Ban đầu mình cũng muốn tự đi mua nhưng sau này, cuộc sống đã đầy đủ hơn, chẳng còn thiếu thốn thứ gì. Có tiền chồng tặng, mình mua đồ ăn về rồi làm cơm cả gia đình liên hoan vui vẻ”.

Anh Lê Ngọc Sơn, chồng chị Bích cũng chia sẻ, ban đầu khi bắt đầu chuyển quà tặng sang hình thức chuyển khoản anh cũng hơi áy náy vì biết đôi lúc vợ cũng chẳng mua cho bản thân được thứ gì, nhưng đổi lại, anh thấy vợ vui nên không còn băn khoăn nữa.

“Hơn nữa, mỗi dịp lễ, Tết mình đỡ phải vò đầu bứt tóc xem mua cái gì tặng vợ. Tết chưa qua, Valentine đã tới, rồi mùng 8/3 ập đến, mỗi lần chọn quà cũng là thử thách đối với cánh mày râu. Thôi thì chị em thích gì chúng tôi chiều”, anh Sơn vui vẻ nói.

Chị Đinh Thu Hòa, một giáo viên dạy văn ở Hà Nội cho biết, trước đây chị cũng rất lãng mạn, muốn ông xã tặng những món quà ý nghĩa, nhưng từ năm 2020, khi có dịch, việc mua, chọn quà tặng cũng không dễ dàng gì, thế nên chị tặc lưỡi bảo chồng: “Thôi thì tặng tiền đi!”. Kể từ đó, cái tiếng “ting ting” mỗi dịp lễ, kỷ niệm lại trở nên “vui tai” đối với chị.

Chị Hòa chia sẻ: “Chắc nhiều người không để ý, rằng thời gian gần đây vào ngày 8/3 hoặc các ngày lễ khác, ở các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đa số đều là khách hàng nữ đến mua. Đó là bởi chị em chúng tôi được tặng “ting ting” rồi rủ nhau đi mua sắm. Chúng tôi mua được món mình thích, lại được vui vẻ gặp gỡ bạn bè, các ông chồng thì đỡ phải nát óc nghĩ xem tặng gì cho vợ, mà tặng cũng chưa chắc xài được”.

Tặng quà bằng "ting ting" có làm giảm ý nghĩa ngày 8/3?
Quà tặng đôi khi là những chuyến đi đầy kỷ niệm của hai vợ chồng. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Cái chuyện tặng quà “ting ting” nghe thì rất có lý, nó cũng vui như cuối năm lĩnh thưởng không còn là cân gạo, túi bánh như ngày xưa mà là “ting ting” vậy! Thế nhưng cũng có nhiều người không đồng tình với quan điểm này.

Anh Trần Quang Khải, Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ cho rằng, tặng quà cho người phụ nữ của mình, trong đó có mẹ, có vợ, có con gái, cũng là một niềm vui đối với đàn ông. Vào những ngày này, họ lặng lẽ đi chọn những món quà mà những người phụ nữ của họ thích. Qua đó, còn là tìm hiểu về sở thích của nhau, gắn bó tình cảm vợ chồng, cha con và bày tỏ sự kính trọng với mẹ. Bó hoa tươi tỏa ngát hương thơm trong nhà còn tạo nên không gian lãng mạn, gắn kết tình cảm vợ chồng.

“Vợ tôi có thói quen gìn giữ rất lâu những món quà chồng tặng. Mỗi lần có thời gian ngồi bên nhau tâm tình, cô ấy thường nhắc lại: năm ngoái anh tặng em cái này, năm kia anh tặng cái kia, rồi 10 năm trước anh tặng món nọ,… Tôi cảm nhận được hạnh phúc của vợ và cũng tự hào vì cô ấy trân trọng mọi thứ do tôi tặng. Bởi vậy dù chung sống hơn 20 năm, tôi vẫn yêu cô ấy như ngày đầu”, anh Khải chia sẻ.

Cũng có nhiều phụ nữ thích quà tặng hơn là tiền. Bởi quà tặng thể hiện sự quan tâm của người bạn đời đối với mình. Quà tặng không chỉ là bó hoa, cây son, hộp phấn, mà còn là những chuyến đi chơi của cả gia đình hoặc chỉ có hai người yêu nhau. Những món quà muôn màu muôn vẻ thể hiện tấm lòng của người đàn ông đối với một nửa thế giới, đôi khi nó còn là những kỷ niệm rất khó quên.

Và nhiều người cũng bày tỏ lo ngại rằng, thói quen “tặng” quà qua tài khoản sẽ dần khiến nét đẹp truyền thống mai một. Tiền tiêu rồi cũng hết, vài ngày, vài tuần rồi cũng quên mất món quà “ting ting” và cuối cùng chẳng còn lại dư vị gì trong cuộc sống hối hả này. Thế nhưng cũng có nhiều người khẳng định, tặng hoa hay quà thật lãng phí! Tặng tiền là món quà “thực tế” và phù hợp với thời hiện đại ngày nay!

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh, việc tặng quà liên quan đến hoàn cảnh cụ thể của mối quan hệ giữa người tặng và người nhận. Nếu việc tặng quà hay tặng tiền khiến đối phương vui vẻ và hạnh phúc thì có thể duy trì phương thức tặng quà đó. Hơn nữa, tặng quà hay tặng tiền còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, lối sống của mỗi người.

Đối với các gia đình có cuộc sống eo hẹp, việc tặng tiền cũng là một cách tiết kiệm tránh gây lãng phí. Đối với các cặp vợ chồng có điều kiện tốt hơn có thể tặng nhau những món quà hoặc chuyến đi du lịch. Còn với những người trẻ như thanh niên, học sinh, sinh viên thì những món quà lưu niệm nhỏ là ý nghĩa nhất. Tặng quà theo cách nào không quan trọng, miễn sao nó mang mục đích, ý nghĩa tích cực.

Bảo Thoa