Hưởng lợi từ các nguồn vốn hỗ trợ nông dân
Chia sẻ về công tác trợ vốn giúp nông dân làm kinh tế, ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, cho đến nay, tổng nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 24,965 tỷ đồng. Hội đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng 24 dự án và giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố với tổng số tiền 9,150 tỷ đồng cho 440 hộ vay phát triển sản xuất.
Tín chấp vay vốn qua Ngân hàng chính sách qua 81 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền 122,131 tỷ đồng; tín chấp vay vốn qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua 41 tổ liên kết với số tiền 36,024 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ có việc làm, thu nhập, chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn.
Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cũng cho biết, tính đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện và cơ sở tăng trưởng 40 triệu đồng (đạt 20%). Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện quản lý là 8,593 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2021 đã thu hồi 31 dự án đến hạn với số tiền 6,246 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Thành phố là 2,920 tỷ đồng, nguồn quỹ của huyện, xã là 3,326 tỷ đồng; không có nợ quá hạn. Đến nay, Hội đã triển khai cho vay quay vòng 8,579 tỷ đồng, với 27 dự án, 378 hộ vay.
Đối với các nguồn vốn vay ngân hàng, Hội đã tín chấp vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số tiền 7,780 tỷ đồng cho 12 hộ vay; vay uỷ thác qua ngân hàng chính sách số tiền 4,200 tỷ đồng cho 160 hộ vay. Tổng dư nợ các nguồn vốn vay qua ngân hàng là 154 tỷ đồng.
"Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn nông thôn. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả", ông Bùi Văn Bình cho biết.
Từ việc triển khai trên khắp các địa phương tại Hà Nội, có thể thấy chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển chăn nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Phú, Hội phụ nữ xã đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ tổ chức các buổi tập huấn cho hội viên và nhân dân có diện tích sản xuất lúa hữu cơ về kỹ thuật và quy trình sản xuất lúa;
Phối hợp cùng với Hội nông dân xã cho 27 hội viên phụ nữ vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để sản xuất lúa hữu cơ với số tiền 675 triệu đồng (trung bình 25 triệu/hộ; ngoài ra các hội viên còn trồng luân canh cây lúa với cây đậu tương và rau màu các loại đã đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho biết, năm 2017, hưởng ứng phong trào thi đua phát triển kinh tế do Hội Nông dân, Hội phụ nữ các cấp phát động, vợ chồng chị được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số vốn là 100 triệu đồng.
“Nhờ có nguồn vốn, chúng tôi thống nhất và tập trung tìm mọi cách để tổ chức sản xuất với diện tích đất quỹ của gia đình và thuê thêm một số diện tích nhỏ của mọi người xung quanh để triển khai sản xuất”, bà Cuối cho biết.
Qua hơn 5 năm thành lập đi vào hoạt động và trên nền sản xuất rau, củ quả an toàn, Hợp tác xã Cuối Quý đã cung cấp các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ thường xuyên từ 2 - 3 tấn cho các bếp ăn, trường học, khu công nghiệp, các nhà hàng trong và ngoài huyện; đặc biệt là nơi cung cấp rau thường xuyên cho chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch do thành phố Hà Nội quản lý với thương hiệu Bác Tôm.
Doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng, số lao động thường xuyên là 12 lao động có thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ thuê thêm từ 5 người trở lên với mức 200 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2018 mô hình Hợp tác xã Cuối Quý được xếp là 1 trong 125 mô hình tiêu biểu trên toàn quốc do Bộ Nông nghiệp bình chọn.
Để nguồn vốn tín dụng phát huy được hiệu quả, hiện nay, các cấp Hội nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đặc biệt, quan tâm giúp đỡ các hộ hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị giao ban hoạt động Qũy Hỗ trợ nông dân quý 2 năm 2022, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa đã đánh giá cao kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân của các cấp Hội trong 6 tháng đầu năm và đề nghị Hội Nông dân các huyện, thị xã tập trung thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường hiệu quả của Quỹ. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa về các hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhân rộng các mô hình sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trích ngân sách bổ sung tăng trường nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân gắn với xây dựng các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, các mô hình điểm; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đồng chí kế toán Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổ tiết kiệm vay vốn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những khó khăn, tồn tại, hạn chế để đưa ra các biện pháp tháo gỡ, vướng mắc. |
Bảo Thoa
Bình luận