Cô gái Hà Nội thổi hồn vào nhung lụa, góp phần hồi sinh làng nghề thêu truyền thống Hà Nội nỗ lực phát triển "giao thông xanh" từ giải pháp xe đạp công cộng Sức hút từ Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2022

Theo định nghĩa của Hội đồng Anh thì không gian sáng tạo là "một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ".

Không gian sáng tạo là nơi mà các doanh nghiệp có thể kết nối, hỗ trợ cho thuê mặt bằng hoặc hỗ trợ không gian cho các nghệ sĩ trong việc trưng bày, truyền thông, kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật, các trò chơi, công cụ giải trí nhằm đưa chúng gần hơn với cộng đồng, kết nối xã hội.

Phát triển không gian sáng tạo mang lại sinh kế cho người dân Thủ đô
Tobacco Factory Theatre ở Anh.

Ở các nước phát triển, không gian sáng tạo đóng vai trò rất lớn trong việc tạo dựng bản sắc đô thị. Ở thành phố Bristol (Vương quốc Anh), Tobacco Factory Theatre là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo nhà máy thuốc lá cũ để trở thành biểu tượng mới, tạo dựng bản sắc mới cho thành phố...

George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sĩ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật. Không gian sáng tạo còn mang lại tính hấp dẫn cho thành phố, tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Bên cạnh đó, không gian sáng tạo còn là nơi truyền cảm hứng cho giới trẻ, là những người luôn khát khao đổi mới, sáng tạo. Các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật luôn mong muốn tìm cho mình một không gian làm việc, một không gian khởi nghiệp với các không gian sáng tạo làm việc chung (co-working space).

Tại không gian sáng tạo các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được cung cấp mặt bằng để kết nối và những cơ hội trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp, ý tưởng sáng tạo tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp có thể thành công.

Đặc biệt hơn nữa, không gian sáng tạo còn có ý nghĩa trong việc tái sinh đô thị. Ở Hà Nội hiện nay, có rất nhiều công trình nhà máy cũ cần phải di dời để giảm thiểu ô nhiễm đô thị, nhiều bãi rác cần được giải phóng cũng như là nhiều khoảng đất trống… chúng cần được quy hoạch, tái tạo thành những không gian xanh, sạch, đẹp tiện ích, những không gian kết nối cộng đồng hơn là chỉ quan tâm đến việc phân lô, bán nền, xây dựng ồ ạt tạo nên một bộ mặt đô thị thiếu bản sắc.

Phát triển không gian sáng tạo mang lại sinh kế cho người dân Thủ đô
TS. Lê Thị Việt Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu khoa học Scopusian.com

Là người đã từng học tập và sinh sống và làm việc lâu tại Hàn Quốc, TS. Lê Thị Việt Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu khoa học Scopusian.com cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều dự án xây dựng không gian sáng tạo. Người Hàn Quốc rất giỏi trong việc “văn hoá hoá kinh doanh” và “kinh doanh hoá văn hoá”. Công nghiệp văn hoá là viên gạch nền tảng của kinh tế sáng tạo. Khai thác giá trị không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng.

"Ngay giữa thủ đô công nghệ số như Seoul, người Hàn đã xây dựng, phục dựng và bảo tồn các không gian văn hoá thành công với sự giúp sức không chỉ từ chính phủ mà còn cả cộng đồng người dân sinh sống xung quanh. Ví như, Cheonggyecheon vốn là một dòng suốt dài gần 6km chảy qua trung tâm Seoul, từng bị chôn lấp dưới lớp bê tông suốt gần 50 năm để xây dựng đường cao tốc Cheonggye phía trên, xung quanh là những khu nhà tồi tàn… nhưng người Hàn Quốc đã “hồi sinh” nó một cách thần kỳ. Hiện nay nó đã trở thành điểm du lịch xanh lý tưởng và là biểu tượng của thủ đô Seoul", TS Lê Thị Việt Hà cho hay.

Theo TS. Lê Thị Việt Hà, đây không chỉ là hình mẫu về phát triển không gian đô thị mà còn về tiềm năng thương mại và văn hoá. Hay câu chuyện bảo tồn các làng cổ ngay giữa Seoul như làng Bukchon Hanok, làng dân tộc Namsan Hanok – vốn là nơi sinh sống của các quan lại, quý tộc từ thời Joseon. Trong những ngôi nhà ở các làng này, người dân cùng chính quyền địa phương bảo tồn nhà cửa, làm dịch vụ du lịch rất tốt, khiến cho bất cứ du khách nào đi tour Seoul cũng phải ghé qua một lần cho biết. Như vậy có thể nói, phát triển không gian sáng tạo mang lại sinh kế cho người dân.

Phát triển không gian sáng tạo mang lại sinh kế cho người dân Thủ đô
Không gian Nhà máy in Công đoàn cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa).

Ở Hà Nội, có thể kể tới một số địa điểm không gian sáng tạo, như: Nhà máy in báo Nhân Dân chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng) thành tổ hợp Zone 9 (cũ), Nhà máy in Công đoàn cũng biến thành khu tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa).

Một số không gian sáng tạo mà các nghệ sĩ, họa sĩ mang đến cho công chúng thưởng lãm tác phẩm hội họa như phố bích họa ở phố Phùng Hưng hay triển lãm nghệ thuật sắp đặt ở phố Phúc Tân. Trong đó, dự án phố Phúc Tân mang nhiều ý nghĩa bảo vệ môi trường. Trước kia, đây là đoạn đường ven sông ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn là nơi tập kết rác thải.

Đặc biệt, dự án cải tạo bờ vở sông Hồng ở ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương, chỉ cách không gian Phúc Tân chưa đầy 2km, từ một góc nhỏ ven sông đầy rác thải, khu vực này đã được cải tạo thành một nơi đáng sống với khu vui chơi cho trẻ em, tập thể dục cho người lớn, địa điểm thông thoáng trong lành để hội họp cộng đồng, là nơi được coi là vườn rừng đầu tiên của Hà Nội với rất nhiều cây hoa mới.

Đây là công sức chính quyền, hội phụ nữ, các tổ chức doanh nghiệp xã hội và quan trọng nhất là sự tham gia của chính cộng đồng trong việc kiến tạo không gian sáng tạo, không gian vui chơi giải trí, không gian kết nối xã hội để góp phần xây dựng thành phố Hà Nội xanh, sạch, đẹp và giàu bản sắc cũng như chứa đựng tinh thần nhân văn.

Triết lý “Thành phố là một tuyệt tác của tập thể” đã được cộng đồng nơi đây áp dụng để kiến tạo nên Hà Nội trở thành một không gian sáng tạo, không gian đáng sống, bởi Thành phố cần rất nhiều công sức đến từ mỗi cá nhân, tập thể có trách nhiệm. Thành phố cũng cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn để khuyến khích các doanh nghiệp xã hội phát triển những không gian sáng tạo như thế này.

Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO với các biện pháp cụ thể như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Tin rằng, dù là nhà quy hoạch, nghệ sĩ hay người bán hàng rong thì chúng ta cũng đều đang tham gia vào kiến tạo lên những không gian trong Thành phố. Nói cách khác, nếu các cá nhân chủ động và tham gia đóng góp vào xây dựng Thành phố thì Thành phố sẽ có cơ hội trở thành nơi đáng sống cho tất cả mọi người, từ đó sẽ lại tạo kế sinh nhai cho người dân.