Hà Nội xây dựng đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ Giải phóng mặt bằng nhanh giúp tăng cường tiến độ xây dựng các dự án đường cao tốc

Bộ Giao thông vận tải vừa chuyển đến Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.

Theo Bộ Giao thông vận tải, khi thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc theo phương thức đầu tư công, Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết, trong đó có nội dung liên quan đến chủ trương thu hồi vốn Nhà nước.

Về cơ sở thực tiễn, khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đã mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội như: Tạo động lực, không gian phát triển mới cho các vùng/miền; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp …

Đối với người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện. Theo ước tính, việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ.

Đề nghị thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư
Trạm BOT từ thành phố Lào Cai đến thị xã Sa Pa. Ảnh: Hà Phong

Trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân ước tính khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

“Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân ước tính khoảng 12.348 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân ước tính khoảng 1.974 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị ước tính khoảng 2.868 đồng/PCU/km. Với lợi ích đó, một số tuyến đường cao tốc do doanh nghiệp đầu tư đang thu tiền dịch vụ theo cơ chế giá được dư luận và người dân đồng tình”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo ước tính ban đầu, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km.

Cụ thể: Khoảng 61 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã bố trí thực hiện hoàn thành 916 km các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án cao tốc đang thi công; khoảng 211 nghìn tỷ đồng để khởi công và hoàn thành 1.127 km trong giai đoạn 2021-2025 (trong đó, vốn ngân sách nhà nước ước tính khoảng 105,5 nghìn tỷ đồng); khoảng 121 nghìn tỷ đồng để khởi công 925 km giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030 (trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 73 nghìn tỷ đồng).

Từ thực tế này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn. Bên cạnh đó, những năm qua, đối với các tuyến đường bộ do nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm, cơ bản mới đáp ứng được một phần yêu cầu về chi phí để thực hiện các công việc quản lý, vận hành, khai thác và một phần chi phí bảo trì công trình.

Dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm)…

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý. Ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, khi thu phí sẽ có nguồn lực, điều kiện để thực thi các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành… sẽ giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển về kết cấu hạ tầng đường bộ nói chung; đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng.

Mức thu phí được xác định trên các nguyên tắc cơ bản: Phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực…