Thúc đẩy ứng dụng thanh toán kỹ thuật số, hướng đến không dùng tiền mặt Chiều cuối năm vẫn tấp nập người mua, bán tại chợ Hàng Bè

Vài năm gần đây, thanh toán không tiền mặt, thanh toán di động đang trở thành một xu hướng phổ biến với nhiều người. Theo đó, chỉ cần quét mã QR Code và nhập số tiền cần thanh toán, bấm chuyển là khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng. Nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng, phương thức thanh toán quét mã QR Code đã phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng lớn, tới gánh hàng rong...

Thực tế, dạo qua một vòng các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, không chỉ các cửa hàng lớn, mà nhiều quán bán rau, thịt cá hay quán trà đá, trông xe… cũng thanh toán bằng QR code.

Hà Nội: Xu hướng thanh toán qua mã QR Core phổ biến từ nông thôn tới thành thị
Việc thanh toán qua mã QR Code đã trở nên phổ biến tại Hà Nội.

Tại chợ Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), sạp hàng của chị Nguyễn Thị Hoa luôn được treo một chiếc mã QR phía trước. Theo chị Hoa, từ thời gian dịch Covid-19 bùng phát tới nay, chị đã bắt đầu in mã QR để khách chuyển khoản. Việc thanh toán qua mã QR Code giúp hạn chế tiếp xúc lại nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và không cần phải trả lại tiền thừa.

Để đỡ mất công chuyển khoản, các khách hàng thường mua một lần nhiều loại rau củ. Thậm chí, nhiều khách hàng ngỏ ý muốn chuyển khoản dư ra và nhận lại tiền thừa bằng tiền mặt. Nhiều tiểu thương tại chợ cũng cho biết, lượng người thanh toán không dùng tiền mặt chiếm đa số, nếu không có phương thức thanh toán chuyển khoản, các khách hàng sẵn sàng rời đi mua hàng khác.

Việc thanh toán qua mã QR trước đây thường phổ biến trong giới trẻ, nhưng đến thời điểm hiện tại các khách hàng trung niên cũng ưu tiên hình thức này. Ông Đỗ Văn Hòa (65 tuổi, trông xe tại ngõ 1, phố Đại Linh, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Trước đây tôi thường thu tiền gửi xe trực tiếp, sau đó nhận thấy nhiều bạn trẻ đến 5.000 đồng tiền mặt trong túi cũng không có nên hơn 2 tháng nay, con gái tôi đã tạo cho tôi 1 cái mã QR Code để ai không mang tiền mặt có thể quét mã chuyển khoản”.

Hà Nội: Xu hướng thanh toán qua mã QR Core phổ biến từ nông thôn tới thành thị
Từ các cửa hàng, siêu thị đến quán trà đá đều có mã QR Code để khách hàng tiện thanh toán.

Tương tự, bà Lâm Thị Mến bán nước mía tại ngõ 850 Đường Láng, Đóng Đa gần đây cũng tạo mã QR Code cho khách hàng thanh toán. Tay thoăn thoắt ép nước mía cho khách, bà Mến vừa nhìn màn hình kiểm tra giao dịch thành công của khách vừa quét mã QR. “Ưu điểm của thanh toán bằng mã QR Code đơn giản và nhanh hơn rất nhiều. Tôi không phải trả lời cung cấp thông tin cho từng khách hàng trong lúc đông khách. Ngoài ra, cũng không phải lo trả lại, tiền thừa, tiền thiếu”, bà Mến chia sẻ.

Ứng dụng của các ngân hàng hiện nay giúp mọi người tự tạo được mã QR Code cho tài khoản cá nhân. Vì vậy việc in và dán một mã thanh toán tại quầy rất dễ dàng, đơn giản. Cùng với đó là việc nhiều nơi còn tung ra nhiều chương trình giảm giá khi thanh toán bằng các ứng dụng khác nhau để kích thích khách hàng.

Nguyễn Minh Trang hiện đang là học sinh lớp 12, trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Đa số các bạn trong lớp em đều sử dụng điện thoại để thanh toán, từ việc đi cửa hàng tiện lợi, đi chợ hay đi trà đá. Với em việc quét mã QR khá tiện lợi, thao tác đơn giản, từ khi các địa điểm thường xuyên lui đến của bọn em được thanh toán qua mã QR thì hầu như em không còn mang tiền mặt theo người nữa”.

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng để các tỉnh, thành phố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại. Mới đây, huyện Đông Anh đã ra mắt tuyến phố 4.0 “Thanh toán không dùng tiền mặt”. Tuyến phố này được triển khai đồng loạt tại các điểm chợ, siêu thị trên địa bàn xã Vân Hà và Cổ Loa. Người dân sẽ sử dụng mã QR Code để thực hiện giao dịch mua bán.

Theo Bí thư Huyện đoàn Đông Anh Lê Thế Chuyên, mục tiêu của kế hoạch là phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ vận động, hướng dẫn 50% tiểu thương sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, tuyến phố kinh doanh.

Hà Nội: Xu hướng thanh toán qua mã QR Core phổ biến từ nông thôn tới thành thị
Điểm trông xe tại ngõ 1, phố Đại Linh, Nam Từ Liêm áp dụng thanh toán qua mã QR Code.

Bên cạnh thuận lợi, nhanh chóng hình thức thanh toán trên cũng đang tiềm ẩn những rủi ro về an toàn, an ninh. Tình trạng lừa đảo qua hình thức này gần đây xuất hiện ngày càng nhiều khiến các ngân hàng đã liên tục phát đi thông báo cảnh báo khách hàng về tình trạng kẻ gian lợi dụng mã QR Code bên ngoài các cửa hàng đã dán đè mã khác để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, người dùng có thể bị mất cắp thông tin, hành vi và thói quen tiêu dùng có thể bị nắm bắt và khai thác. Điều này đòi hỏi, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng, tránh quét mã QR Code từ các trang không uy tín hoặc nội dung không chính thức ở những nền tảng mạng xã hội.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo bằng mã QR Code, mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến nghị người dùng cảnh giác với các mã QR Code được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email.

Theo đó, người dùng cần thận trọng trước khi quét mã QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email. Cần xác định và kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản người trao đổi mã QR Code; xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR Code đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với “https” và có phải tên miền quen thuộc hay không. Cùng với đó, người dùng còn được khuyến nghị tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản đăng nhập ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Thống kê cho thấy, thanh toán qua mã QR Code hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay. Theo các chuyên gia, đây là phương thức tiết kiệm chi phí đầu tư khi chỉ cần một tờ giấy in là đủ.

Với việc gần 75% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, hơn 3,7 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, phương thức thanh toán mã QR Code được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trên dưới 100% trong năm nay.

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng để các tỉnh, thành phố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.