TP.HCM: Hàng loạt cây xăng thông báo hết... xăng Những tỷ phú làm giàu từ nông nghiệp đô thị ở vùng ven TP.HCM Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khu vực phía Nam gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng

Chương trình do Tạp chí Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam - Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức.

Tham dự chương trình có ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM; ông Hồ Như Duyến - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam - Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Hồng Tây - Phó trưởng văn phòng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM cùng đại diện ĐHQG TP.HCM, các trường đại học, các chuyên gia tư vấn và đông đảo học sinh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh.

“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai" là chương trình được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và đưa ra những lời khuyên thiết thực nhằm giúp học sinh có định hướng lựa chọn trường học, bậc học, ngành nghề đào tạo phù hợp sở thích và năng lực bản thân, kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp và rèn luyện một số kỹ năng cần thiết giúp học sinh trong quá trình hội nhập, qua đó giúp các em xây dựng mục tiêu, kế hoạch và động lực trong quá trình học tập.

Năm học 2022-2023, chương trình dự kiến tổ chức tại 100 trường phổ thông tại TP.HCM và 1.500 trường ở 26 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với hơn 800.000 học sinh khối 10, 11 và 12 tham dự.

Hơn 800.000 học sinh tại 26 tỉnh, thành được tư vấn “chọn nghề cho tương lai”
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình. Ảnh: Thái Tân.

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, chương trình tư vấn hướng nghiệp là một trong những hoạt động tổ chức hàng năm nhằm đem đến cho học sinh thông tin bổ ích, qua đó, có thêm cơ sở định hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Qua 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình đã được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng thêm cơ hội tham gia cho học sinh. Trong đó, ở bậc THPT, không phải đến lớp 12 học sinh mới có nhu cầu tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề mà ngay từ lớp 10 học sinh đã quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề, từ đó, xác định kế hoạch học tập phù hợp.

Hơn 800.000 học sinh tại 26 tỉnh, thành được tư vấn “chọn nghề cho tương lai”
Học sinh tham khảo thông tin các ngành học từ cẩm nang hướng nghiệp. Ảnh: Thái Tân.

"Mỗi năm thị trường lao động có những thay đổi mới về ngành nghề lao động. Đặc biệt, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện trong tương lai. Do đó, từ kinh nghiệm giảng dạy thực tế của các thầy cô giáo, dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực nguồn nhân lực và thị trường lao động sẽ giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng lựa chọn ngành nghề phù hợp", ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Hiện nay, toàn TP.HCM có hơn 200 trường THPT, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị bên cạnh hình thức hướng nghiệp tại chỗ trực tiếp cho học sinh, đơn vị tổ chức có thêm nhiều hình thức cung cấp thông tin cho học sinh không có điều kiện tham gia trực tiếp vẫn có thể tiếp cận thông tin chính thống bằng nhiều hình thức khác nhau để tham khảo, giúp ích cho quá trình lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Tại buổi tư vấn, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP.HCM thông tin: Hiện các trường cao đẳng, đại học đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nên việc chọn ngành học đối với học sinh không đơn giản. Để lựa chọn ngành học phù hợp, học sinh phải xác định xuất phát điểm của các em là muốn làm gì trong tương lai.

Hơn 800.000 học sinh tại 26 tỉnh, thành được tư vấn “chọn nghề cho tương lai”
ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Thái Tân.

Trong khi đó, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho rằng, các học sinh THPT hiện nay khi chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đại học, cần phải định vị được bản thân mình trước. Trong đó, các học sinh lớp 12 cần phải có sự tham chiếu bằng cách tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, chuyên gia... để họ đánh giá về ngành nghề đó, lĩnh vực đó. Đồng thời, tìm cách để có những trải nghiệm về những ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn, qua đó sẽ giúp học sinh THPT có thực sự phù hợp với ngành nghề đó hay không.

"Ngoài ra, các học sinh THPT cần phải định vị được ngành nghề, vì mỗi ngành nghề cần những tố chất, yêu cầu khác nhau. Nếu học sinh không tìm hiểu thì rất sẽ lựa chọn sai. Ví dụ: Nếu chọn ngành Quản trị kinh doanh, thì các bạn học sinh phải có khả năng giao tiếp tốt, nhạy bén, tư duy quyết đoán; ngành Ngân hàng thì phải yêu thích các con số, có sự tính toán tỉ mỉ, cận trọng, chính xác, có khả năng phân tích và đánh giá; ngành Luật thì phải có khả năng tư duy logic, phản biện, trí nhớ tốt, bản lĩnh cao...", ông Phạm Doãn Nguyên cho biết.

Cuối cùng, ông Phạm Doãn Nguyên cho rằng, các học sinh cần phải định vị nhu cầu của thị trường lao động, nhất là khi tính đa ngành, liên ngành đang diễn ra - học ngành này có thể ra làm việc ở nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, khi lựa chọn ngành nghề phải có nguyên tắc, theo đó, phải chọn nghề và công việc trước sau đó mới chọn ngành học, bậc học, trường học và phương thức xét tuyển.