3 yếu tố hàng đầu giữ chân người lao động làm việc ở công ty hiện tại Đề xuất phương án để hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất Gần 290.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2023

Việt Nam có hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số

Công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành năm 2022 ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Xuất khẩu của ngành ước đạt 136 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số hơn 70.000, trong đó có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt vươn ra thị trường toàn cầu
Người dân tham quan trải nghiệm gian hàng của các doanh nghiệp công nghệ số tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4. (Ảnh: N.Hoa)

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi số toàn diện quốc gia sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Năm 2022 là năm tăng tốc của ngành công nghệ thông tin Việt Nam với ưu tiên lớn nhất là xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Từ góc nhìn của chuyên gia công nghệ nước ngoài, mới đây chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4, đại diện Công ty Tel.rec, ông Joseph Saib cho biết: Số liệu năm 2018 cho thấy, khoảng 70% các tổ chức có những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỷ USD đã được các công ty chi cho chuyển đổi số trong năm 2019.

Chuyển đổi số là hiện tượng mang tính toàn cầu và là xu hướng không thể đảo ngược. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán tăng lên 7.000 tỷ USD trong năm 2023.

Theo ông Joseph, đây là cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế.

“Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội này, các doanh nghiệp Việt cần có cách tiếp cận đúng đắn cũng như chiến lược chuyển đổi số phù hợp”, ông Joseph khẳng định.

Các doanh nghiệp công nghệ số cần tạo sự liên kết

Chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ đã có những chuyển mình mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, đến nay doanh nghiệp này đã có hơn 200 sản phẩm Make in VietNam và đặt mục tiêu thời gian tới ít nhất mỗi năm phải có 10 sản phẩm mới.

Theo lãnh đạo FPT, để làm được Make in Vietnam đòi hỏi quyết tâm của doanh nghiệp phải rất cao. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Công nghệ thông tin sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi chúng ta nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Để làm được điều này, Việt Nam cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ vững mạnh.

Trong đó, các đơn vị có vai trò tiên phong cần thể hiện sự dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trở thành người đồng hành với các doanh nghiệp Việt khác tại cả thị trường trong và nước ngoài. Qua đó, thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.