Độc đáo văn hóa, ẩm thực truyền thống các dân tộc ở Tiến Xuân Phát triển làng nghề truyền thống nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách

Nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc và kinh kỳ Thăng Long từ xưa đến nay, tương Dục Nội (xã Việt Hùng, Đông Anh) có mùi thơm, ngọt, bùi, được hòa quyện từ xôi nếp, đỗ tương, nước giếng khơi - những nguyên liệu dân dã của người nông dân ngoại thành.

Nỗ lực đưa thương hiệu tương truyền thống vươn xa
Với tương Dục Nội, ngoài bí quyết ủ tương được truyền từ đời này sang đời khác thì khâu quan trọng nhất là nước và gạo, đỗ.

Để cho ra những chum tương ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Mốc, đậu, nước, muối, đồ đựng tương. Với tương Dục Nội, ngoài bí quyết ủ tương được truyền từ đời này sang đời khác thì khâu quan trọng nhất là nước và gạo. Nước làm tương được lấy từ các giếng khơi trong làng, sở dĩ dùng nước giếng khơi là do xã Việt Hùng có địa thế đất cao, các giếng khơi lại rất sâu, nước giếng trong, mát và ngọt, ngày nay dù có nước máy nhưng người dân nơi đây vẫn giữ giếng truyền thống để lấy nước làm tương, đây là một trong những yếu tố góp phần tạo ra hương vị thơm, ngon truyền thống của tương nơi đây.

Nghề làm tương có rất nhiều công đoạn, được làm thủ công, tỉ mỉ, trong đó có 4 công đoạn chính: Lựa chọn nguyên liệu, đồ xôi; ủ mốc; ủ tương và đóng tương thành phẩm.

Nỗ lực đưa thương hiệu tương truyền thống vươn xa
Nhiều hộ gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề làm tương truyền thống.

Bà Công Thị Thơm (người gắn bó với nghề làm tương chia sẻ): “Hạt gạo, đỗ là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của tương. Đỗ phải chọn hạt to vàng đều, mẩy, óng, được ngâm bằng nước giếng, sau vớt ra để ráo nước, sấy vàng ròn, rồi xay vỡ đôi. Gạo làm tương phải là nếp cái hoa vàng đều hạt, được vo sạch đem ngâm 6 - 7 giờ được vớt ra, thổi xôi. Xôi chín sẽ được đổ ra nia, san mỏng rồi phơi ở nơi khô, thoáng, ủ một tuần, hạt xôi khi đó lên mốc vàng như hoa cau, mốc càng đỏ, mịn thì tương càng ngon, đẹp”.

Sau đó tương được đem ngâm trong chum, công đoạn ngâm, chọn chum đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Anh Nguyễn Hữu Hải chủ hộ sản xuất tương chia sẻ: “Chum được chọn để ủ tương phải là những chum già, không rạn nứt. Nguồn nước nơi đây được trời phú để làm tương theo đó, nước phải được lấy buổi sáng mới đảm bảo độ ngon cho tương. Khi ngâm, ủ đúng cách tương sóng sánh, hoà quyện giữa màu vàng của đỗ vỡ đôi, màu xanh xôi mốc, tạo nên một màu sắc, hương vị đặc trưng riêng”.

Nỗ lực đưa thương hiệu tương truyền thống vươn xa
Tương Việt Hùng có mùi thơm, ngọt, bùi, được hòa quyện từ xôi nếp, đỗ tương, nước giếng khơi - những nguyên liệu dân dã của người nông dân ngoại thành.

Ở làng Dục Nội, phần lớn các gia đình đều biết làm tương, một thời cả làng Dục Nội nhà nhà đều sản xuất tương, cung ứng ra thị trường, đây là nghề đem lại thu nhập chính của người dân. Trải qua thời gian, do những yếu tố khách quan, sản phẩm tương truyền thống của các làng nghề nói chung, tương Việt Hùng nói riêng đều tiêu thụ chậm nên trong làng Dục Nội số hộ theo nghề làm tương giảm nhiều.

Với mong muốn giữ nghề truyền thống của quê hương, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương và đưa thương hiệu tương Việt Hùng trở thành sản phẩm uy tín được nhiều người biết đến, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng đã chủ động thành lập mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua việc thành lập Tổ liên kết sản xuất tương Việt Hùng” với 35 hộ gia đình tham gia.

Nỗ lực đưa thương hiệu tương truyền thống vươn xa
Sản phẩm tương được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quảng bá lên một số sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, shoppee... tham gia các triển lãm Hội chợ của Thành phố.

Năm 2022, Hội đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tương Việt Hùng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao huyện Đông Anh.

Bà Quang Thị Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng chia sẻ: “Khi sản phẩm tương được công nhận sản phẩm OCOP, nhân dân rất vui mừng vì sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường, đây là bước tiến để tương Việt Hùng vươn xã hơn nữa trên thị trường. Thông qua mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình giúp cho các hộ làm tương trên địa bàn đoàn kết gắn bó với nhau, có thêm điều kiện để giữ nghề và phát triển nghề truyền thống của quê hương”.

Để thực hiện hiệu quả mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng đã hỗ trợ về vật tư, nhãn mác, hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện nguồn vốn vay và tổ chức tập huấn trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quy trình để Tổ liên kết có sản phẩm tương thơm ngon, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm tương được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quảng bá lên một số sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, shoppee… góp phần nâng cao giá thành sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho các hộ sản xuất tương. Sản phẩm tương Việt Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận về bảo hộ thương hiệu, được tham gia các triển lãm do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống đến rộng hơn với người tiêu dùng.

N.Hoa