Tổng kết mô hình Dân vận khéo lúa ST25 chất lượng cao theo kỹ thuật SRI Tạo lập mô hình kinh doanh mới với công nghệ số

Xã Hồng Minh là một trong những xã điểm của huyện Phú Xuyên (Hà Nội) được công nhận nông thôn mới, xã có những loại cây trồng phổ biến như lúa, ngô, đỗ tương, kê,... Mới đây, xã còn được biết đến với mô hình nuôi con đặc sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều bà con nông dân. Điển hình là mô hình của anh Nguyễn Quang Hai ở thôn Phù Bật.

Mô hình chăn nuôi ban đầu của anh Hai chỉ có 20 con, đến nay đã lên tới hơn 700 con, gồm có chồn hương và cầy vòi mốc 180 con; dúi má đào Thái Lan 200 con; dúi mốc đại Trung Quốc 150 con; don 200 con. Trong đó, chồn hương và cầy vòi mốc có giá 600 nghìn đồng/kg; dúi má đào Thái Lan có giá khoảng giá từ 800 - 950 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 1 triệu đồng/kg;...

Anh Hai cho biết, với mức độ sinh sản từ 3 đến 5 lứa thì cứ mỗi một con mẹ sẽ đem lại khoảng 6 - 7 triệu đồng cho trại. Một đàn xuất chuồng sẽ đem tới 20 triệu đồng/năm cho gia đình anh. Việc nuôi các con đặc sản không quá phức tạp bởi thức ăn đơn giản, phổ biến nhất là ngô, chuối, đu đủ, bí đỏ, cháo, tre, mía, không phụ thuộc vào nguồn cám.

Thành công từ mô hình nuôi con đặc sản
Trang trại nuôi con đặc sản được anh Hai quây bằng mái tôn, chia thành 3 chuồng nuôi, mỗi chuồng có diện tích khoảng 300m2. (Ảnh: QL)

Mỗi tháng, gia đình anh Hai xuất bán từ 200 - 300 con giống. Ngoài việc làm kinh tế cho gia đình, trang trại của gia đình anh Hai còn liên kết với hơn 300 hộ chăn nuôi và giúp nhiều nhân công tại địa phương có mức thu nhập ổn định, từ 12 - 15 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy mô hình của gia đình anh Hai có giá trị kinh tế cao, nhiều người đã tìm đến học hỏi và đặt mua nhiều hơn. Với những người mua con giống, anh Quang Hai hỗ trợ phương pháp chăn nuôi và giúp tìm kiếm đầu ra sản phẩm, đảm bảo nguồn thu nhập.

Nhận xét về mô hình nuôi con đặc sản của anh Hai, ông Trần Hồng Kông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Minh cho biết, trước đây nông dân trong xã chủ yếu tập trung xây dựng các mô hình nuôi cá, nuôi vịt,… Từ năm 2018 đến nay, anh Hai đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi con đặc sản, có nhiều triển vọng.

“Hiện nay, con đặc sản có giá trị kinh tế rất cao, được nhiều người ưa thích, đã làm thay đổi tư duy của những người nông dân ở xã thuần nông như chúng tôi. Từ mô hình nuôi các con đặc sản của anh Hai cho thấy mô hình chăn nuôi này đang là hướng đầu tư mới đеm lại hiệu quả kinh tế cho bà con địa phương nói riêng và nông dân trong huyện nói chung”, ông Trần Hồng Kông nói.

Thành công từ mô hình nuôi con đặc sản
Anh Nguyễn Quang Hai tại thôn Phù Bật, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên. (Ảnh: QL)

Để có được thành tựu như ngày hôm nay, ít ai biết rằng khi mới bắt tay vào làm trang trại, anh Hai đã gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ câu chuyện liên quan đến chồn, cầy và dúi, anh Hai bộc bạch: “Ngày trước đi bộ đội trên tỉnh Hòa Bình, qua nhiều lần ra thao trường, đồng đội có bắt được con dúi để chế biến thành thức ăn. Từ lúc rời khỏi quân ngũ, tôi đã tự mình khảo sát thị trường, thấy lợi nhuận đem lại lớn, rồi quyết học hỏi và làm quen tập tính loài vật này. Sau một thời gian, tôi quyết định đem con đặc sản về quê để nuôi”.

Anh Hai kể, năm 2010, sau khi tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế qua các phương tiện thông tin và các trang trại lân cận, anh đã quyết định chuyển sang nuôi các con đặc sản trên mảnh đất rộng gần 1.000m2 của gia đình. “Thời đó, công nghệ, internet chưa phát triển, mỗi lần những con vật nuôi có bệnh thì phải viết thư tay gửi lên đơn vị đã từng đóng quân để hỏi cách chữa trị, phải một tuần sau mới nhận được trả lời; có khi đợi đến lúc được trả lời thì con vật đã chết”, anh Hai nói.