Đến cuối năm 2022, TP.HCM sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo bền vững Tiếp vốn đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế Tiêu dùng số - góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

John Howkins, học giả nổi tiếng người Anh, một trong những chuyên gia tiên phong về lĩnh vực này cho biết từ năm 2001, công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã đóng góp 2,2 nghìn tỷ USD vào tổng giá trị của nền kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 5%, thu hút 4,4% lực lượng lao động quốc gia và tạo ra 1,4% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.

Tại tọa đàm “Công nghiệp văn hóa - sáng tạo Việt Nam - Xu thế và hiện tượng”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội VNU-SIS cho biết, một trong những lý do quan trọng có thể lý giải cho sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực này trên phạm vi toàn cầu là bởi nó không đơn thuần chỉ được nhìn nhận như một hoạt động kinh tế cụ thể mà đó là một hệ sinh thái gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa - sáng tạo là các hoạt động có mục đích chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối hoặc thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động có bản chất liên quan đến văn hóa, nghệ thuật.

Kinh tế từ văn hóa: Hiện tượng và xu thế
Tọa đàm “Công nghiệp văn hóa - sáng tạo Việt Nam - Xu thế và hiện tượng”.

Thực tế là trong suốt hai thập niên vừa qua, công nghiệp văn hóa - sáng tạo ngày càng trở thành một trọng tâm quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc công nhận vai trò của sáng tạo như một nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa, thì ở nhiều nơi công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã thực sự trở thành một trong những yếu tố góp phần xác định thương hiệu đất nước và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, những đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế đất nước đã tạo ra những thay đổi về nhận thức cũng như sự quan tâm của xã hội và nhà nước. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đóng góp GDP của các ngành Công nghiệp văn hóa - sáng tạo năm 2018 ở nước ra là 3,61% trong khi tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực này là 3,51% trong tổng số lao động lao động trên phạm vi cả nước.

Có thể nói mặc dù đây là những con số rất đáng khích lệ đối với một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam nhưng rõ ràng nó hoàn toàn chưa đáp ứng được với tiềm năng của một thị trường lao động trẻ lên tới gần 100 triệu dân cùng một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời.

Các phân tích về thực trạng ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo trên phạm vi cả nước cho thấy sự phát triển của công nghiệp văn hóa - sáng tạo nói riêng ở Việt Nam hiện nay gặp một loạt những thách thức như mạng lưới các doanh nhiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hoá còn nhỏ, chủ yếu là hoạt động dịch vụ, khâu sản xuất chất lượng thấp, quy mô nhỏ.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng, hoàn toàn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia đi đầu về lĩnh vực này trên thế giới cho thấy hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò như là trung tâm chính đào tạo nguồn nhân lực và là nhân tố góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Kinh tế từ văn hóa: Hiện tượng và xu thế
Văn hóa sáng tạo đang thúc đẩy kinh tế du lịch Việt Nam.

Ở nước ta mặc dù có sự hỗ trợ của nhà nước, hoạt động đào tạo văn hóa - nghệ thuật chủ yếu vẫn diễn ra dưới mô hình đào tạo đơn ngành truyền thống, hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu về lao động của công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Thay vì nhấn mạnh vào tài năng cá nhân, mô hình giáo dục cộng nghiệp văn hóa - sáng tạo hướng tới việc đào tạo các cộng đồng thực hành có kỹ năng và tư duy liên ngành và có khả năng tham gia nhiều vị trí khác nhau trong các hoạt động sáng tạo.

Bên cạnh đó, trường đại học về công nghiệp văn hóa sáng tạo cũng là địa điểm trao đổi, đối thoại giữa những người sáng tạo nghệ thuật với các doanh nghiệp; gắn kết việc sáng tạo với khởi nghiệp kinh doanh, góp phần thúc đẩy công nghiệp sáng tạo mang tính chất thương mại, vượt qua tính chất nghệ thuật thuần túy, đáp ứng trực tiếp nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu kể trên, trường đại học cũng đồng thời phải là nơi nắm bắt các xu hướng và tri thức mới; nhằm kiến tạo và phát triển các quan điểm, nội dung của công nghiệp văn hóa sáng tạo; vừa phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tạo ra ưu thế cạnh tranh riêng của từng quốc gia về lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Hiệu cũng cho biết, với tư cách là một đơn vị nghiên cứu, đào tạo tiên phong theo định hướng liên ngành sáng tạo và nghệ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ tập trung vào đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp và sáng tạo theo hướng liên ngành; kết nối cùng các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo ở Việt Nam, để cùng góp sức vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, phục vụ cho việc phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam và thúc đẩy sự hội nhập thế giới trong lĩnh vực này.

Bảo Thoa